Đưa Thủ đô trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực

Sáng 2-10, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức chương trình Tọa đàm cấp cao Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội; đồng thời thúc đẩy thực hiện các cam kết của Hà Nội với tư cách là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO.

Quang cảnh tọa đàm.

Các đại biểu dự tọa đàm.

Tham dự tọa đàm, về phía đại biểu trung ương có Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; đại diện các bộ, ban, ngành.

Về phía thành phố Hà Nội, dự tọa đàm có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Vương Đình Huệ; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý.

Đại biểu quốc tế, tham dự có ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; các vị đại sứ, đại biện, đại diện đại sứ quán các nước và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tiếp nối truyền thống văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, nguồn lực sáng tạo, Hà Nội tin rằng, nếu biết phát huy tối đa khả năng sáng tạo trong môi trường kết nối quốc tế, thành phố sẽ một lần nữa hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng sáng tạo mang tên Thăng Long từ ngàn năm trước, xứng đáng là Thủ đô, trái tim của cả nước, vai trò đầu tàu, vị trí trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn của cả nước về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc.

Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, quá trình tham vấn trong nước và quốc tế thời gian qua đã chỉ ra và nhấn mạnh những lợi thế về truyền thống, nguồn lực, động lực trong thiết kế sáng tạo của Hà Nội, cũng như bối cảnh phát triển năng động của Thủ đô và đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế giai đoạn mới. Song song với việc xác định các nguồn nội lực, các đối tác phát triển của Hà Nội và Việt Nam cho rằng, Hà Nội không thể bỏ qua việc xác lập vị trí tiên phong trong khu vực và các nền tảng có tính toàn cầu để định vị tầm nhìn, xác định mục tiêu chiến lược phát triển của Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, thành phố tổ chức cuộc tọa đàm cấp cao với mong muốn lắng nghe, trao đổi với các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế, các đại sứ quán, các nhà đầu tư, doanh nghiệp về các ý tưởng, sáng kiến nhằm hỗ trợ Hà Nội xây dựng và xác định chiến lược và kế hoạch dài hạn nhằm phát huy hiệu quả, vai trò là Thành phố sáng tạo UNESCO. Đây cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh con người Hà Nội, con người Việt Nam và thu hút sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng trong nước và quốc tế. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025; kỷ niệm 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, sẽ được tổ chức trong những ngày tới; góp phần tuyên truyền, giới thiệu về định hướng phát triển mới của thành phố Hà Nội cùng các tiềm năng, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mong muốn, các đại biểu tham dự tọa đàm sẽ đưa ra những ý kiến đóng góp tích cực, thẳng thắn, quý báu để thành phố xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, cụ thể, hướng tới Hà Nội thực sự là trung tâm sáng tạo của khu vực.

Các đại biểu quốc tế dự buổi tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định, sau khi Hà Nội được công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo, Bộ Ngoại giao, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã và đang đồng hành với thành phố Hà Nội trong việc quảng bá và phát huy danh hiệu, xây dựng kế hoạch cụ thể và huy động sự tham gia của nhiều cơ quan và các chủ thể trong xã hội nhằm phát triển thành phố sáng tạo, thực hiện cam kết với UNESCO khi xây dựng hồ sơ, góp phần làm cho văn hóa thực sự trở thành mục tiêu và động lực trong các chiến lược phát triển của Thủ đô.

Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, danh hiệu Thành phố sáng tạo chắc chắn sẽ tạo một khuôn khổ thích hợp để thành phố Hà Nội tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị của các danh hiệu khác mà UNESCO đã ghi danh tại Hà Nội, vừa vì lợi ích của đất nước, vừa thực hiện các nghĩa vụ theo như cam kết của Hà Nội và Việt Nam với UNESCO. Thứ trưởng Lê Hoài Trung mong muốn và tin tưởng rằng, thành công của Hà Nội sẽ khẳng định vị trí và tầm vóc Thủ đô sáng tạo của nước Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, thúc đẩy các thành phố khác của Việt Nam tham gia Mạng lưới, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft phát biểu tại tọa đàm.

Về phần mình, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft cho rằng, Hà Nội đã giương cao ngọn đuốc của nền văn hóa hòa bình trong nhiều thập kỷ và giờ đây, với danh hiệu Thành phố sáng tạo, Hà Nội đã tái khẳng định cam kết của mình đối với sự phát triển lấy con người làm trung tâm. Ông Michael Croft khẳng định, đó là con đường bảo đảm rằng sự phát triển của thành phố không chỉ được tính bằng các số liệu thống kê và lợi nhuận, mà còn bởi những đặc điểm tốt đẹp nhất của con người, lòng trắc ẩn và sự sáng tạo.

Tọa đàm đã ghi nhận ý kiến của các vị đại sứ, đại diện cho các đại sứ quán, các cơ quan, các doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, đặc biệt là các cơ quan Liên hợp quốc như UN Habitat, UNIDO, Văn phòng UNESCO Việt Nam tại Hà Nội.

Tham luận của các đại biểu tập trung vào các nhóm giải pháp hiện thực hóa tầm nhìn một Thủ đô sáng tạo, bao gồm tái tạo đô thị, mạng lưới giáo dục kích thích sáng tạo với ưu tiên cho nghệ thuật và khoa học, hệ thống chuỗi tổng thể các sự kiện, hội chợ, triển lãm và lễ hội văn hóa và việc xây dựng và quảng bá thương thiệu Thành phố - Thủ đô sáng tạo…

Trong tham luận với chủ đề Tầm nhìn chiến lược - Truyền cảm hứng cho Chương trình phát triển mới của thành phố Hà Nội, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Phạm Thị Thanh Hường nhận xét rằng, những kết quả quan trọng phản ánh từ các cuộc gặp gỡ, hội đàm và tham vấn của thành phố với các đối tác liên quan đã cho thấy một bức tranh và vị thế hoàn toàn khác của Hà Nội hiện nay so với thời điểm 20 năm trước. Đã đến lúc Hà Nội phải định vị lại vị thế trong bối cảnh quốc gia và quốc tế mới, hướng tới Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, từ đó hình thành tầm nhìn chiến lược truyền cảm hứng cho một chương mới phát triển của thành phố Hà Nội.

Bà Phạm Thị Thanh Hường chia sẻ: “Bảo vệ các khu di sản, làm mới và thiết kế phong phú các hoạt động văn hóa trong không gian lịch sử cũ; hồi sinh những tòa nhà bị lãng quên; làm đẹp những góc khuất và những nơi công cộng khác như cầu vượt, bến xe buýt và hệ thống tàu điện ngầm, hệ thống giao thông công cộng mới phát triển của thành phố nhằm nâng cao sự an toàn, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc người dân; thành phố xanh, sạch, có thể đi bộ với những tuyến phố thông thoáng và không gian trống dành cho xe cộ đều là những ước mơ và mong muốn chung mà chúng tôi muốn chia sẻ để xây dựng chương mới truyền cảm hứng cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã trình bày tham luận về Thúc đẩy sự năng động để hiện thực hóa tầm nhìn Hà Nội - Thủ đô sáng tạo, trong đó cho rằng, để tạo ra động lực và môi trường thuận lợi cho sự chuyển tải các giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa và di sản thành giá trị, hoạt động, thực hành và cả những chuỗi sản phẩm dịch vụ trong bối cảnh hiện đại, cần thiết lập hai trong số các điều kiện căn bản: Nền tảng toàn cầu là các sự kiện quốc tế để thu hút sự tham gia, định vị điểm đến của văn hóa và các sáng tạo mới; môi trường chính sách và chương trình điểm để thúc đẩy các hoạt động thiết kế sáng tạo và đổi mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì phiên tọa đàm.

Sau phiên trình bày tham luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã đồng chủ trì phiên trao đổi, tham vấn ý kiến của các đại biểu nhằm chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm về bảo tồn, sáng tạo, phát triển các di sản văn hóa gắn với phát triển đô thị hiện đại, lắng nghe những đề xuất và các giải pháp kiến nghị hỗ trợ Hà Nội hiện thực hóa tầm nhìn về Thành phố sáng tạo.

Đại diện các quốc gia như Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Italia, Pháp đã chia sẻ kinh nghiệm trong bảo tồn, phát triển các kiến trúc, di sản văn hóa gắn với phát triển kiến trúc hiện đại; cải tạo và tái sử dụng các tòa nhà di sản, nhà cổ trong một thành phố hiện đại về thiết kế; mô hình hợp tác ba bên (nhà nước - doanh nghiệp - cộng đồng) trong phát triển đô thị…

Đánh giá tầm quan trọng của các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và đổi mới cho phát triển thành phố sáng tạo, bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam nhận định, Việt Nam có tham vọng lớn trong việc theo đuổi đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, và đang đi đúng hướng để thực hiện mục tiêu này. Từ các mô hình đổi mới sáng tạo thành công của Thụy Điển, Đại sứ Ann Mawe cho rằng, đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải có sự cởi mở với những suy nghĩ, ý tưởng vượt ra ngoài ranh giới cũ. Việc lắng nghe các ý tưởng sáng tạo của Hà Nội trong buổi tọa đàm thực sự đã truyền cảm hứng cho các hành động thực tế.

“Với mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và nhiều tiềm năng giữa hai nước, Thụy Điển mong muốn trở thành một phần của quá trình này. Đại sứ quán Thụy Điển, các công ty, các trường đại học và các thành phố của Thụy Điển sẵn lòng hợp tác, thảo luận với thành phố Hà Nội để biến mục tiêu dài hạn này trở thành hiện thực”, Đại sứ Ann Mawe nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, còn nhiều việc cần làm để tiếp tục hiện thực hóa danh hiệu Thành phố sáng tạo, như cân bằng giữa các lợi ích trước mắt và lâu dài, giữa các giá trị truyền thống và hiện đại; thiết kế một hệ sinh thái cho hoạt động đổi mới, sáng tạo; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hệ thống chính sách kinh tế, tạo cơ chế điều hành như thành lập cơ quan điều phối, chủ trì của thành phố để phát huy sự sáng tạo phong phú của doanh nghiệp, người dân cho định hướng phát triển chung của Thủ đô; nhấn mạnh công tác truyền thông, tư vấn, công khai, minh bạch ở tất cả các khâu trong quá trình phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô, với người dân là trung tâm.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, lãnh đạo thành phố ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp tại tọa đàm và sẽ tiếp thu một cách cầu thị, chắt lọc, biến các ý tưởng được đưa ra thành hiện thực, với sự chung tay, góp sức không chỉ của chính quyền, mà còn cả doanh nghiệp, người dân và các đối tác quốc tế...

Tháng 10-2019, tròn 20 năm kể từ khi Hà Nội được vinh danh là Thành phố Vì hòa bình của UNESCO, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên toàn cầu với danh hiệu Thành phố sáng tạo. Thông qua việc tham gia Mạng lưới, các thành phố cam kết chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất của mình và phát triển quan hệ đối tác công tư cũng như các tổ chức xã hội. Mạng lưới các thành phố sáng tạo là đối tác đặc quyền của UNESCO, không chỉ là nền tảng phản ánh vai trò đòn bẩy của sự sáng tạo trong phát triển bền vững mà còn là nền tảng của hành động và đổi mới, đặc biệt trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Minh Hiếu - Ảnh: Viết Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/979797/dua-thu-do-tro-thanh-trung-tam-sang-tao-cua-khu-vuc