Đưa thực phẩm Việt vươn xa: Phải tạo dựng danh tiếng và không đi 'ngược gió'
Có nhiều cánh cửa để đưa thực phẩm Việt vươn xa trên thị trường toàn cầu nếu nhìn từ câu chuyện Singapore chấp thuận mở cửa nhập sản phẩm chăn nuôi, rồi các mặt hàng tiêu dùng nhanh được ưa chuộng tại Ấn Độ, hay như cơ hội biến bánh mì thành biểu tượng ẩm thực Việt trên toàn cầu...Điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt phải biết nắm bắt tốt các cơ hội và không đi 'ngược gió'.
Vào ngày 1/4, Bộ Công Thương dẫn thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết Cơ quan quản lý thực phẩm Singapore (SFA) đã có văn bản chính thức chấp thuận mở cửa thị trường nhập khẩu một số loại sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam.
Những cơ hội mới được mở ra
Theo đó, các sản phẩm được chấp thuận bao gồm thịt gia cầm đã qua chế biến nhiệt (của công ty CPV Food Co LTd và công ty MeatDeli HN Company Ltd); và trứng gia cầm và thịt (không bao gồm thịt bò) đóng hộp/tiệt trùng ở nhiệt độ cao và áp suất cao theo khuyến nghị của Cục Chăn nuôi và Thú y.

Để vươn xa trên toàn cầu đòi hỏi các DN thực phẩm Việt cần tạo dựng danh tiếng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, thích nghi với những tiêu chuẩn và các phương thức bán hàng mới.
Phía thương vụ cho rằng việc Singapore mở cửa thị trường đối với một số sản phẩm thịt và trứng của Việt Nam được kỳ vọng sẽ mang lại cú huých đáng kể đối với kim ngạch xuất khẩu (XK) sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.
Bởi lẽ, Singapore là quốc gia nhập khẩu tới hơn 90% thực phẩm tiêu thụ. Không những vậy, quốc gia này còn là trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn thứ hai trên thế giới. Cho nên, việc XK sang thị trường Singapore được xem là bước đà để các sản phẩm thực phẩm trong ngành chăn nuôi của Việt Nam tiếp cận thị trường, mở rộng chuỗi cung ứng tới các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Hoặc tại một hội thảo (thu hút sự tham dự của gần 100 doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam đại diện cho các ngành thực phẩm chế biến, nông sản) được tổ chức vào cuối tháng 3/2025 ở New Delhi (Ấn Độ) đã cho thấy các sản phẩm chế biến thực phẩm như cà phê hòa tan, bánh kẹo, đồ dùng tiêu dùng nhanh (FMCG) của Việt Nam đã nhận được phản hồi tích cực từ phía đối tác Ấn Độ.
Đặc biệt, các sản phẩm bánh kẹo với hương vị độc đáo, đa dạng và mẫu mã hấp dẫn đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ, được nhiều doanh nghiệp (DN) Ấn Độ bày tỏ mong muốn hợp tác để phân phối tại thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Hữu Xuân Thành, đại diện một DN sản xuất bánh kẹo tham gia vào buổi giao thương này cho biết rất vui mừng khi sản phẩm của mình nhận được sự quan tâm lớn từ các đối tác Ấn Độ. Đây là động lực lớn để phía DN tiếp tục đầu tư vào chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường XK.
Còn theo ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN Việt Nam trong quá trình thâm nhập và phát triển tại thị trường Ấn Độ, đặc biệt là các ngành hàng có tiềm năng lớn như chế biến thực phẩm và nông sản.
Ở một diễn biến khác, hướng đến việc đưa thực phẩm Việt thâm nhập tốt hơn trên thị trường toàn cầu, mới đây Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao dự kiến sẽ quy tụ một số DN trong ngành thực phẩm Việt để tham gia vào chương trình học tập thực tế và kết nối cơ hội kinh doanh tại Thái Lan từ ngày 26/5 đến 1/6/2025, kết hợp giữa việc tham dự Hội chợ Thaifex Anuga Asia 2025 - sự kiện thực phẩm lớn nhất châu Á, và chuỗi hoạt động tham quan – học hỏi – giao lưu tại các mô hình nông nghiệp, chế biến nông sản và phát triển sản phẩm bản địa.
Mục tiêu của chương trình này là nhằm tăng cường năng lực xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường quốc tế, từ đó hỗ trợ chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu cho DN. Chẳng hạn như học hỏi các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, chế biến sâu nông sản, phát triển sản phẩm OTOP và chuỗi giá trị tại Thái Lan.
Qua đó, sẽ giúp các DN thực phẩm Việt nhìn thấy cơ hội, tương lai ngành hàng của mình thông qua lăng kính quốc tế. Đặc biệt là các DN sẽ tìm kiếm đối tác và học hỏi cách họ xây dựng chuỗi giá trị nội địa mạnh mẽ, cải tiến mô hình kinh doanh tại Việt Nam theo hướng tuần hoàn – bản địa – hiện đại.
Cánh cửa 'cơ hội' đang mở ra
Ngoài những thông tin như trên, để đưa thực phẩm vươn xa trên thị trường toàn cầu thì việc tạo dựng danh tiếng là rất quan trọng. Chẳng hạn như với lễ hội bánh mì Việt Nam vừa tổ chức ở Tp.HCM, theo Ts. Daisy Kanagasapapathy, chuyên gia Quản trị du lịch và khách sạn, việc mở rộng lễ hội ra ngoài biên giới Việt Nam sẽ phản ánh dấu mốc quan trọng trong “ngoại giao” ngành thực phẩm Việt.
Đơn cử như phiên bản quốc tế đầu tiên của lễ hội bánh mì Việt Nam dự kiến sẽ được tổ chức ở Australia vào tháng 9/2025, theo Ts. Kanagasapapathy, việc này sẽ đánh dấu bước tiến đầy hứng khởi nhằm quảng bá món ăn được yêu thích của Việt Nam đến với nhiều người tiêu dùng quốc tế hơn nữa.
Nhìn về phía trước, như chia sẻ của vị chuyên gia này, có thể thấy tiềm năng to lớn để mở rộng, đổi mới và thúc đẩy tác động của lễ hội bánh mì thông qua các giải pháp thực phẩm bền vững, quan hệ đối tác toàn cầu, và hơn thế nữa.
Theo Ts. Kanagasapapathy, danh tiếng toàn cầu của bánh mì Việt Nam có thể được mở rộng hơn nữa. Nhất là cần có các chiến dịch marketing sáng tạo nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận của bánh mì Việt.
Không chỉ với câu chuyện quảng bá, từ việc Singapore mở cửa nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi hay Ấn Độ quan tâm sản phẩm thực phẩm tiêu dùng nhanh của Việt Nam sẽ còn nhiều vấn đề mà các DN Việt cần cải thiện nhằm tận dụng cơ hội.
Như với XK sản phẩm thịt hay trứng gia cầm, thực tế cho thấy quy mô chế biến của các DN trong nước vẫn còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của ngành này. Điều này đòi hỏi DN phải có sự đầu tư rất bài bản và tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Bởi lẽ, hầu hết các thị trường nhập khẩu đều yêu cầu rất chặt chẽ, thậm chí thủ tục XK thịt và các sản phẩm gia cầm có phần rườm rà.
Và điều quan trọng là các DN thực phẩm Việt phải nắm bắt xu hướng mới khi “mang chuông đi đánh xứ người”. Như chia sẻ của Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC) khi mới đây tham dự hội chợ thủy sản Boston (Mỹ). Đó là tùy theo khả năng cảm nhận để có thể thấy rõ hơn xu thế, thấy rõ hơn khó khăn (để kịp thời có hướng ứng xử), thấy rõ hơn cơ hội (để kịp thời tranh thủ…) và ít ra cũng có nhiều điểm tốt để học hỏi và điểm chưa tốt để phòng tránh.
Qua quan sát của ông Lực tại hội chợ hàng đầu thế giới này có nhiều dòng chữ xuất hiện khá phổ biến ở các gian hàng các nước, đó là giữ vững môi trường, là khả năng truy xuất nguồn gốc, là phát triển bền vững, là việc kiểm soát cả tiến trình hình thành sản phẩm từ trang trại tới bàn ăn…
Và như bộc bạch của Ts. Lực, xu thế thế giới và đòi hỏi của người tiêu dùng ngày càng chặt chẽ, khắt khe, khởi đầu từ khu vực châu Âu. Đây là thách thức hay cơ hội, hay cả hai, phụ thuộc tầm nhìn lãnh đạo từng DN. Thế nhưng, điều chắc chắn là không ai có thể đi “ngược gió”, nhất là gió ngày càng mạnh.
Tựu trung, để cho thực phẩm Việt vươn xa trên thị trường toàn cầu sẽ có nhiều cánh cửa đang cần các DN biết cách tra đúng “chìa khóa”. Điều quan trọng là họ nắm bắt tốt cơ hội, biết tạo dựng danh tiếng, đáp ứng tốt nhu cầu từng thị trường, nhanh chóng thích nghi với những tiêu chuẩn và các phương thức bán hàng hiện đại trong xu hướng chung của thế giới.