Đưa thực tiễn vào bài giảng chính trị

13 năm tuổi Đảng, 12 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục chính trị, Thạc sĩ Trần Thị Tú Em - giảng viên Trung tâm Chính trị huyện An Biên được đồng nghiệp và nhiều thế hệ học viên nhắc đến là người hết lòng vì công tác giảng dạy chính trị và có những hoạt động tích cực học tập và làm theo Bác.

TRAU DỒI KỸ NĂNG MỖI NGÀY

Khi chưa giảng dạy lý luận chính trị, đồng chí Tú Em có 3 năm công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nam Thái A (An Biên) và được đơn vị cử đi học trung cấp chính trị, phụ vận khóa 3 tại Trường Chính trị tỉnh. Sau đó, về địa phương, đồng chí được cử đi học lớp đảng viên mới ở Trung tâm Chính trị huyện. Vì ấn tượng với bài thu hoạch cuối khóa của đồng chí Tú Em mà ban giám đốc Trung tâm Chính trị huyện mời đồng chí về công tác và đào tạo chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ để trở thành giảng viên lý luận chính trị.

Không được học chuyên về kỹ năng sư phạm nên ngay từ ngày đầu bước lên bục giảng, đồng chí Tú Em gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Tú Em nói: “Lần đầu đứng lớp tôi run lắm vì học viên là cán bộ có kiến thức chuyên môn sâu. Tuy nhiên vài phút sau, tôi đã trấn an bản thân, xâu chuỗi hệ thống kiến thức bài giảng để bắt đầu tiết dạy”. Và cứ mỗi tiết dạy kết thúc, đồng chí Tú Em đều xem nó như bài học, tự phê bình thiếu sót của mình và tự học hỏi thêm từ chính học viên. Đồng chí còn thú thật với chúng tôi: “Chính học viên là người giúp tôi rút kinh nghiệm và cải thiện quá trình giảng dạy của mình. Chính sự quý mến của học viên là động lực giúp tôi vượt qua những khó khăn ban đầu để tôi không bỏ cuộc và cố gắng hơn mỗi ngày”.

Theo đồng chí Tú Em, bên cạnh phẩm chất chính trị, giảng dạy lý luận chính trị còn đòi hỏi sự say mê với công việc giảng dạy, nghiên cứu. Đồng chí Tú Em nói với quyết tâm nghề nghiệp, mỗi bài giảng không chỉ chuẩn bị bằng kiến thức, kỹ năng mà còn bằng tình cảm, trách nhiệm và lòng tự trọng. Chính vì vậy trước khi lên lớp, đồng chí Tú Em phải chuẩn bị thật kỹ giáo án, cập nhật tình hình thời sự để lấy ví dụ thực tiễn lúc giảng bài. Trước khi giảng dạy tại lớp, đồng chí nghiên cứu trước đối tượng học viên, tuổi đời học viên cao nhất là bao nhiêu, tuổi đời học viên thấp nhất chiếm số lượng bao nhiêu để điều tiết nội dung và cách lấy ví dụ giảng dạy phù hợp. Vì lẽ đó, tiết học chính trị tưởng chừng khô, nhàm chán trở nên gần gũi, gắn với thực tế và tiếp cận với nhiều đối tượng học viên hơn.

Chia sẻ về cô giáo chủ nhiệm của mình, học viên Trần Văn Thường - lớp trưởng lớp sơ cấp lý luận chính trị khóa I-2022 cho biết: “Đối với môn chính trị, nội dung hơi khô khan nhưng với phong cách dạy của cô Tú Em, tôi cảm thấy tiết học rất sôi nổi. Những ví dụ bài giảng cô đưa ra gắn liền với thực tế, gần gũi với đời sống hàng ngày, giúp tôi và học viên tiếp thu bài tốt hơn”.

Đồng chí Trần Thị Tú Em xem lại nội dung bài giảng trước khi lên tiết dạy.

Đồng chí Trần Thị Tú Em xem lại nội dung bài giảng trước khi lên tiết dạy.

Từ giảng viên chưa có nhiều kỹ năng sư phạm, đồng chí Tú Em đã không ngừng nỗ lực vươn lên và khẳng định được bản thân qua các giải thưởng như giải nhất cuộc thi tìm hiểu thân thế, sự nghiệp, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Liên đoàn Lao động huyện An Biên tổ chức và được cử tham dự hội thi cấp tỉnh đoạt giải ba năm 2016; giải nhất hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp tỉnh năm 2022. Đồng chí còn được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019-2020.

GƯƠNG MẪU CÔNG TÁC VÀ LỐI SỐNG

Là giảng viên chính trị nên ngoài việc giảng dạy, đồng chí Tú Em luôn đi đầu trong các phong trào vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Là Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Tuyên giáo, đồng chí tham mưu Ban Chấp hành Công đoàn thực hiện mô hình thu gom rác thải nhựa gây quỹ giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó cùng với chi bộ, cơ quan, đồng chí vận động cán bộ, đảng viên mỗi tháng tiết kiệm 50.000 đồng/người gây quỹ thực hiện mô hình tiết kiệm làm theo lời Bác.

Đồng chí Nguyễn Quốc Xinh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện An Biên nhận xét: “Trong các cuộc họp cơ quan hoặc các lần sinh hoạt chuyên đề của chi bộ bàn về chất lượng giảng dạy của trung tâm, đồng chí Tú Em thường xuyên góp ý kiến xây dựng, có nhiều đề xuất mang tính khả thi cao, được trung tâm ghi nhận đưa vào chỉ đạo thực hiện”.

Ngay ở thói quen sinh hoạt đời thường, đồng chí Tú Em vẫn hay dạy con về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Bác. Đồng chí Tú Em kể lúc con còn nhỏ, đồng chí đã hướng dẫn bé phân loại rác và bỏ ống heo tiết kiệm. Dần đã thành thói quen đến tận bây giờ, mỗi khi đi học về bé đều cầm trên tay chai nhựa và hào hứng khoe mẹ: “Nay con kiếm được thêm mấy ngàn đồng nữa nè mẹ!”. Và cứ thế, mỗi tháng gom hết chai nhựa đi bán, bé kiếm được mấy chục ngàn đồng bỏ ống heo tiết kiệm.

Đồng chí Tú Em còn tích cực tham gia phong trào, vận động đóng góp khi địa phương phát động. Có mối quan hệ tốt với người dân địa phương, đồng chí Tú Em thường xuyên lắng nghe hàng xóm chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống và dùng lý luận của mình để phân tích hợp tình hợp lý, hòa giải các vụ việc, giúp tình làng nghĩa xóm giữa đồng chí và người dân ở nơi cư trú ngày càng gắn bó.

Với những hoạt động tích cực đó, đồng chí Tú Em được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tặng bằng khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2016-2020).

Bài và ảnh: HỒNG THỦY

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//xay-dung-dang/dua-thuc-tien-vao-bai-giang-chinh-tri-8860.html