Đưa tiềm năng du lịch thành thế mạnh phát triển kinh tế
Với sự đa dạng và phong phú về tiềm năng để phát triển du lịch, thời gian qua, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực đánh thức tiềm năng du lịch thành thế mạnh phát triển kinh tế...
Anh Sơn là huyện miền núi thuộc Tây Nam Nghệ An, trải dọc đôi bờ sông Lam, sông Con, sông Giăng và Quốc lộ 7, thuận lợi về giao thông. Bên cạnh đó, với địa hình nhiều dãy núi đá vôi, kết nối với nhau, có đỉnh Kim Nhan cao trên 1340m, tạo nên nhiều hang động đẹp, hấp dẫn du khách. Bản Vều là vùng đệm của rừng nguyên sinh Pù Mát, có tài nguyên rừng tự nhiên lớn, trong đó có nhiều loài lâm sản quý, thảm thực vật phong phú và đa dạng, có hệ động vật với nhiều loài quý, hiếm.
Cùng với đó là những vùng chuyên canh cây công nghiệp như chè, mía,... với khí hậu trong lành và cảnh quan đẹp, cũng trở thành những điểm tham quan hấp dẫn.
Đặc biệt, toàn huyện Anh Sơn có trên 60 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó, một số di tích có thể khai thác du lịch như: Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào; Di chỉ khảo cổ hang Đồng Trương ở xã Hội Sơn; Đò Rồng, bến Ngự thuộc xã Tường Sơn; Sân bay Dừa; Hiệu Yên Xuân; đền Đức Ông; đền Trương Hán nổi tiếng linh thiêng.
Ngoài ra, ở những địa phương có đồng bào dân tộc Thái sinh sống, bản sắc văn hóa riêng vẫn được bảo tồn và phát huy: Kiến trúc nhà sàn, trang phục truyền thống, các loại nhạc cụ như cồng, chiêng, khắc luống, nghề dệt thổ cẩm... rất phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng.
Xác định được lợi thế đó, thời gian qua, huyện Anh Sơn đã có nhiều giải pháp để phát triển du lịch địa phương. Theo đó, xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ mang đậm bản sắc văn hóa vùng và gắn bó với thiên nhiên, có khả năng cạnh tranh với các địa phương trong tỉnh và trong nước; Tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch nhằm thu hút khách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng du lịch.
Cụ thể, huyện đã đầu tư xây dựng các điểm đến du lịch trên địa bàn huyện như: Xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét công nhận điểm đến “Về nguồn” tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào; Xây dựng các điểm homestay tại bản Bộng, xã Thành Sơn; phối hợp Sở Du lịch kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại bản Bộng, xã Thành Sơn; Khai trương du lịch cộng đồng tại bản Bộng, xã Thành Sơn.
Khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại xã Tam Sơn. Theo đó, tổ chức hướng dẫn các hộ đăng ký, lựa chọn xây dựng điểm homestay tại bản Khe Giát, xã Tam Sơn; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch tại xã Tam Sơn; Xây dựng kế hoạch và chuẩn bị cơ sở vật chất tổ chức Lễ hội hoa gạo vào tháng 3 năm 2024.
Đồng thời, khai thác du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng bản Vều; Điểm du lịch tâm linh như: Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào, Khu du lịch đền Cửa Lũy, chùa Anh Sơn.
Để thực hiện có hiệu quả việc xây dựng huyện Anh Sơn thành điểm đến “An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn”, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thời gian qua, huyện đã đầu tư trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; Xây dựng các sản phẩm mang tính đặc trưng của huyện để xây dựng thương hiệu và giới thiệu đến du khách; Chú trọng xây dựng phong cách ứng xử văn minh, lịch sự, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường cho người dân ở các điểm du lịch.
Bên cạnh đó, khảo sát, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển du lịch tại các địa bàn có tiềm năng, lợi thế.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá nâng cao hình ảnh du lịch Anh Sơn bằng nhiều kênh khác nhau; kết nối với Sở Du lịch và các đơn vị lữ hành để xây dựng điểm đến, kết nối tour, tuyến du lịch với các địa phương lân cận để phát triển du lịch trên địa bàn.