Đưa trẻ bị bạo hành đến nơi an toàn trước, pháp lý hãy tính sau
Vừa qua, dư luận đau xót khi hay tin em bé ở quận Bình Tân (TP.HCM) bị bạo hành sau 6 tháng đã qua đời tại bệnh viện hoặc chứng kiến vụ ở quận 12 một em bé bị đánh trong tình trạng bị lột đồ, trói ở cột điện.
Những vụ việc này cho thấy còn nhiều vấn đề trong công tác bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bạo hành. PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội Trưởng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM.
PV: Thưa Luật sư Ngọc Nữ, liên quan đến vụ việc bé trai ở quận 12 bị bạo hành, Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM có hướng xử lý ra sao để bảo vệ quyền trẻ em?
Luật sư Ngọc Nữ: Đây là một trường hợp nghiêm trọng. Tại vì đứa trẻ đã bị lột quần áo, treo lên cột điện để mà đánh, không chỉ một lần mà nhiều lần. Để lột trần cháu bé rồi để hình ảnh đứa nhỏ lên như vậy là đã vi phạm pháp luật rồi. Thứ hai, người cha biết người phụ nữ này thường xuyên đánh đứa nhỏ vẫn tiếp tục gửi con.
Đây là đối tượng đặc biệt quan tâm, theo Luật hình sự đánh trẻ em dù dưới 11% vẫn phải bị khởi tố. Chi hội chỉ mới tiếp nhận thông tin từ báo đài, về phía công an chờ lấy lời khai, cung cấp thông tin thế nào thì Chi Hội Luật sư bảo vệ Quyền trẻ em sẽ tiếp tục vào cuộc giúp đỡ bé. Sau khi lấy lời khai xong sẽ gửi trẻ đến một mái ấm nào hoặc một nơi an toàn để bé thoát khỏi hoàn toàn tình trạng bạo hành.
PV: Vậy trong trường hợp này thì người cha của bé có trách nhiệm liên đới thế nào thưa luật sư?
Luật sư Ngọc Nữ: Hiện tại, chưa lấy lời khai của người cha cho nên chúng tôi phải đợi công an làm việc với đối tượng đánh bé đã bị bắt khẩn cấp, lấy lời khai đối tượng, lời khai người cha rồi mới có ý kiến về vấn đề này và đề nghị xử lý người cha.
PV: Thưa bà, vào chiều 25/8, cháu bé 1 tuổi ở quận Bình Tân sau 7 tháng nằm viện qua đời, nạn nhân bị bạo hành thương tích đến 99%. Dư luận dấy lên về mức độ phức tạp, và tội ác của các vụ bạo hành. Hội đã có hành động gì cụ thể tiếp theo để bảo vệ quyền trẻ em?
Luật sư Ngọc Nữ: Trong quá trình điều điều tra đã tố tụng chị bảo mẫu tội giết người vì gây ra hậu quả thương tật 99%, đánh bằng hung khí nguy hiểm, đã khởi tố tội giết người. Nhưng lúc đó cháu bé còn sống. Bây giờ tình tiết mới nên khi chúng tôi làm việc với công an thì họ sẽ gia hạn kết luận điều tra vì vấn đề này được phép.
Chúng tôi cũng tiếp tục hỗ trợ pháp lý cho bé và làm rõ vấn đề, đề nghị tòa xử đến nơi đến chốn lấy lại công bằng. Đồng thời Hội sẽ yêu cầu xử lý đối tượng bị cáo đủ sức răn đe cho xã hội và không còn tình trạng này xảy ra đối với trẻ em nữa.
PV: Thưa bà, trường hợp những trẻ em bị bạo hành thường đòi hỏi can thiệp và bảo vệ rất khẩn cấp. Vậy, về phía Hội bảo vệ trẻ em có những kế hoạch, chương trình nào để bảo bảo ứng phó trong các trường hợp vừa qua?
Luật sư Ngọc Nữ: Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến địa phương. Vào mùa hè chúng tôi tập trung tất cả bảo mẫu dân lập, công lập để hướng dẫn tập huấn. Nhưng ví dụ, vụ bé ở Bình Tân vừa qua đời thì trường hợp này là bảo mẫu tự phát, tức là gia đình gửi thôi chứ không vào trường dân lập hay tư thục. Bảo mẫu không có nghiệp vụ sư phạm chỉ biết giữ trẻ ở nhà thôi.
Chúng tôi cũng tập huấn các phụ huynh cần quan tâm đến nhóm trẻ đưa cho người giữ trẻ để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
Hiện Hội Bảo vệ trẻ em cùng lúc tiếp nhận song song 2 vụ, một trẻ 7 tháng tuổi bị bảo mẫu đánh tử vong và 1 bé 6 tháng tuổi (nằm viện 7 tháng rồi qua đời).
PV: Những trường hợp có dấu hiệu nghiêm trọng như thế này thì Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM thường thực hiện những quy trình và bước tiếp cận như thế nào để giải quyết?
Luật sư Ngọc Nữ: Như vụ quận 12, chúng tôi đề nghị bắt khẩn cấp đối tượng liền. Rồi chúng tôi tạm thời ổn định cuộc sống cho bé, tìm hiểu bé sống với người cha tiếp tục vậy có tốt hay không. Bây giờ chỉ mới gặp bé, vì vậy phải làm sao đưa đến nơi an toàn trước rồi xử lý thế nào tính sau.
Một đứa trẻ bị lột quần áo đánh là xúc phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe tính mạng của trẻ. Khi tiếp nhận vụ việc, đầu tiên là đưa bé đến nơi an toàn, đến bệnh viện để thăm khám, chăm sóc sức khỏe, rồi mới tính đến chuyện pháp lý.
PV: Xin cảm ơn bà!