Đưa 'tri thức 'về bản

Hôm chúng tôi đến Điểm trường Hợp Nhất, thuộc Trường Tiểu học Đông Bo, xã Tràng Xá (Võ Nhai) - nơi có trên 70% số hộ là đồng bào dân tộc Dao, Nùng, Tày, Mông… sinh sống, trời mưa rả rích. Trong cái lạnh của chiều đông, khi sắc trời đã chuyển màu, cô và trò nơi đây vẫn đang miệt mài 'làm bạn' với sách, vở. Ở điểm trường này chỉ có 3 lớp (1, 2 và 3) với 28 học học sinh nhưng cơ sở vật chất đã được xây dựng khá khang trang.

Cô giáo ở điểm trường Hợp Nhất, Trường Tiểu học Đông Bo, xã Tràng Xá (Võ Nhai) hướng dẫn học sinh làm bài tập.

Cô giáo ở điểm trường Hợp Nhất, Trường Tiểu học Đông Bo, xã Tràng Xá (Võ Nhai) hướng dẫn học sinh làm bài tập.

Điều khiến chúng tôi vui nhất đó là lòng yêu nghề của giáo viên và sự ham học của con trẻ. Vậy là sau bao năm nỗ lực “cắm” bản, những người giáo viên tâm huyết ấy đã khơi dậy được tinh thần hiếu học của con trẻ nơi vùng cao xa xôi này.

Trước đây, con đường đến Điểm trường này rất khó đi, nhưng ngày ngày, các giáo viên “cắm bản” vẫn đội mưa nắng, giá rét đến với học sinh của mình. Với các cô, được đem tri thức đến với người dân vùng khó ngoài sứ mệnh của người làm thầy là niềm hạnh phúc được góp phần chấp cánh cho ước muốn bay cao, bay xa của học sinh và nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Ánh, người đã gắn bó với điểm trường này 18 năm chia sẻ: Tôi là giáo viên dạy Mỹ thuật. Nhiều năm giảng dạy ở nơi này, không có khó khăn nào chúng tôi chưa trải qua. Từ cơ sở vật chất thiếu thốn, việc đi lại vất vả đến những trở ngại trong giảng dạy do nhiều học sinh người dân tộc thiểu số khi vào lớp 1 chưa biết nói tiếng phổ thông. Tuy nhiên, động lực lớn nhất của chúng tôi là hôm nay, các bậc phụ huynh đã quan tâm đến việc học của con trẻ. Nhiều năm nay, bản đã không còn tình trạng trẻ em thất học. Các con khi đến lớp đều được trang bị đầy đủ sách, vở, đồ dùng học tập…

Trò chuyện cùng chúng tôi, cô Ánh vui lắm! Với cô, không gì hạnh phúc hơn là sự tiến bộ của con trẻ. Hạnh phúc nhất là nhiều học sinh của cô (từng học ở Điểm trường này) đã tốt nghiệp THPT và đang tiếp tục đi học nghề, học lên cao hơn. Cùng chung với niềm vui của cô Ánh còn có các đồng nghiệp như cô Vũ Thị Thanh (dạy lớp 1), cô Mai Anh (dạy lớp 2) và cô Đường Vân Quỳnh (dạy lớp 3).

Dường như niềm vui lớn lao ấy đã khiến các cô quên đi những vất vả, gian nan. Theo chia sẻ của các cô, người dân vùng cao tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng rất mộc mạc và đầy ắp những chân tình. Giảng dạy ở vùng cao, vào những ngày lễ, tết, nhất là Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), dù không được nhận những bó hoa rực rỡ, những món quà có giá trị nhưng sự quan tâm, thăm hỏi động viên của phụ huynh và học sinh cũng khiến các cô cảm thấy ấm lòng. Anh Sầm Văn Vinh, phụ huynh học sinh, người dân tộc Nùng nói: Chúng tôi vô cùng cảm kích tình cảm, sự tận tâm mà các cô giáo đã dành cho lớp lớp thế hệ học trò của bản. Nếu không có các cô đưa “ánh sáng” tri thức về bản, thì người dân vùng cao chúng tôi sẽ mãi chìm trong nghèo khó...

Chiều muộn, những đỉnh núi bao bọc Hợp Nhất đã giăng kín những tầng mây trắng. Giữa bốn bề là núi, bản vùng cao này hôm nay đã “khoác” trên mình một “tấm áo” mới. Đó là sự hiện diện của cung đường bê tông (dài hơn 5km) uốn lượn được cứng hóa từ 7 năm trước; là những nương ngô với bao chiếc bắp no tròn những hạt; là rất nhiều khu vườn bưởi Diễn quả sai trĩu trịt… Trước khi chia tay, Trưởng bản Chu Thanh Hải đã chia sẻ với chúng tôi rằng: Bản hiện có 127 hộ dân. Sự đổi thay hôm nay chính là kết quả của việc đưa tri thức về bản. Trước đây, một trong trở ngại lớn của bản chính là trình độ dân trí không đồng đều. Tuy nhiên, gần 20 năm trở lại đây, các hộ dân đã quan tâm tới việc học của con trẻ. Không chỉ tạo điều kiện cho lũ trẻ học hết bậc THPT, nhiều gia đình còn con động viên con học lên cao đẳng, đại học. Đáng nói là, nhận thức của bà con đã thay đổi khi cho con đi học không chỉ vì mục tiêu “làm cán bộ” mà để lớp trẻ nắm giữ được tri thức, thu lượm được nhiều kiến thức bổ ích áp dụng vào đồng ruộng, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Qua bật mí của vị trưởng bản, chúng tôi được biết, đến nay, 100% trẻ em ở Hợp Nhất khi đến tuổi đều được đến trường. Hiện, 120 cháu từ 2 đến 14 tuổi của bản đang theo học các trường mầm non, tiểu học và THCS. Lớp trẻ của bản hầu hết đều tốt nghiệp THPT, trong đó có hơn 10 người đã tốt nghiệp các trường đại học…

Tùng Lâm

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/giao-duc/dua-%E2%80%9Ctri-thuc-%E2%80%9Cve-ban-276856-100.html