'Đưa trường học đến thí sinh' lần thứ 22 - 2023: Học sinh TP HCM chủ động để chắc suất vào đại học
Hôm nay, 2-4, chương trình Đưa trường học đến thí sinh năm 2023 được tổ chức tại Trường THPT Hùng Vương (quận 5, TP HCM), Đài Truyền hình TP HCM truyền hình trực tiếp từ 8 giờ.
TP HCM là trung tâm kinh tế lớn, nơi tập trung của hầu hết lĩnh vực ngành nghề nên học sinh TP HCM có nhiều thuận lợi trong chọn nghề, chọn ngành, chọn trường. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), TP HCM đứng thứ 13 trên cả nước về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Tính trong bảng xếp hạng thì không cao nhưng điểm trung bình của học sinh TP HCM khá đều, tất cả đều trên 6, duy chỉ có môn sinh điểm trung bình dưới 5. Đây là lợi thế của học sinh TP HCM trong xét tuyển ĐH theo phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Chủ động xét tuyển sớm
Tuy nhiên, không đợi đến khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT mới đăng ký xét tuyển, nhiều thí sinh tại TP HCM đã đăng ký xét tuyển sớm bằng phương thức xét học bạ.
Tính đến nay, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM đã nhận được gần 2.000 hồ sơ xét tuyển bằng kết quả học bạ lớp 10, 11 và học kỳ I của lớp 12. ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, cho biết trong số gần 2.000 hồ sơ xét tuyển, có gần 1.000 đăng ký ngành quản trị kinh doanh, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, marketing, còn lại rải rác ở các ngành khác. Thời gian nhận hồ sơ của trường kéo dài đến ngày 10-6 và chỉ 1 đợt duy nhất. Hằng năm, tỉ lệ nhập học của học sinh TP HCM chiếm 45% tổng chỉ tiêu.
TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, cho biết đợt 1 năm 2023, trường nhận hồ sơ xét học bạ từ đầu tháng 1 đến ngày 30-4. Đến thời điểm hiện tại, trường đã nhận được khoảng hơn 1.800 hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ của thí sinh cả nước vào 59 ngành đào tạo của trường. Trong đó, những ngành học được thí sinh TP HCM quan tâm tìm hiểu và đăng ký xét tuyển nhiều nhất có thể kể đến: Công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện, marketing, digital marketing, quan hệ công chúng, quản trị kinh doanh, quản trị khách sạn, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Hàn Quốc…
"Có thể nói, kết quả ban đầu này cũng thể hiện được xu hướng lựa chọn ngành nghề của thí sinh khá phù hợp với xu hướng quan tâm chung của xã hội hiện nay, với sự dẫn đầu của các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông - marketing - quảng cáo" - TS Nguyễn Quốc Anh nói.
Bên cạnh đó, theo quan sát năm nay thì thí sinh có sự chủ động cao trong việc tham khảo, tìm hiểu thông tin và tương tác với nhà trường về ngành nghề, chương trình đào tạo, môi trường học tập, chính sách học phí, học bổng… trước khi quyết định đăng ký xét tuyển. Trong số 1.800 hồ sơ đã nhận được có hơn 500 thí sinh ở TP HCM đăng ký xét tuyển, chiếm gần 30% tổng số thí sinh.
Với kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức, đợt 1 có hơn 88.000 thí sinh dự thi, trong đó học sinh TP HCM dự thi đông nhất. TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG TP HCM), cho biết năm nay có 86 trường ĐH, CĐ trong và ngoài ĐHQG TP HCM sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển nên nhiều thí sinh cũng muốn chắc suất trúng tuyển ĐH sớm.
Học sinh nên chọn ngành học nào?
Theo Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất với hơn 60%, kế đến là khu vực công nghiệp - xây dựng với trên 37,06%... Một số ngành kinh tế có nhu cầu nhân lực cao như công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ; hoạt động chuyên môn, khoa học - công nghệ; thông tin và truyền thông…
Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cũng cho biết nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở các ngành nghề như kinh doanh thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; dịch vụ tư vấn - nghiên cứu khoa học và phát triển; hành chính - văn phòng - biên phiên dịch; cơ khí - tự động hóa; dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; công nghệ thông tin; dịch vụ du lịch - lưu trú và ăn uống; tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; marketing…
Theo các chuyên gia, đại diện Ban Tư vấn chương trình "Đưa trường học đến thí sinh", học sinh TP HCM cần nắm bắt nhu cầu lao động của thành phố và các vùng phụ cận để cân nhắc lựa chọn ngành học; đồng thời tìm hiểu kỹ nhiều phương thức xét tuyển để lựa chọn cho mình những phương thức có nhiều lợi thế và phù hợp nhất trước thời điểm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH năm 2023...
1.500 học sinh tham gia tư vấn
Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" lần thứ 22, năm 2023 do Báo Người Lao Động tổ chức diễn ra tại TP HCM với sự tham gia của hơn 1.500 học sinh khối 12 đến từ các trường THPT: Hùng Vương, Thủ Đức, Dương Văn Thì, Trần Hữu Trang và Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An.
Ban Tư vấn chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2023 tại TP HCM gồm:
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT; TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG TP HCM); TS Lê Xuân Trường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM; TS Phạm Văn Khoa, Khoa Đào tạo Quốc tế - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM; ThS Lê Trọng Tuyến, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing; ThS Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn; ThS Nguyễn Thị Mai Bình, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo Trường ĐH Hùng Vương TP HCM; ông Lưu Văn Toàn, Trưởng Bộ phận Tuyển sinh Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn.
Chương trình được Đài Truyền hình TP HCM truyền hình trực tiếp và Báo Người Lao Động tường thuật trực tuyến tại địa chỉ nld.com.vn.