Đưa tự luận vào đề kiểm tra định kỳ: Trường học nhanh chóng bắt nhịp
Lâu nay, nhiều trường vẫn duy trì đưa câu hỏi tự luận vào các đề kiểm tra định kỳ.
Vì vậy khi triển khai ma trận đề kiểm tra mới theo Văn bản số 7991/BGDĐT-GDTrH ngày 17/12/2024 của Bộ GD&ĐT, các trường bắt nhịp nhanh chóng, thuận lợi.
Câu tự luận trong đề kiểm tra là cần thiết
Văn bản số 7991/BGDĐT-GDTrH yêu cầu, đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số, các sở GD&ĐT hướng dẫn cơ sở giáo dục THPT xây dựng ma trận, bản đặc tả, đề kiểm tra và hướng dẫn chấm đề kiểm tra định kỳ bảo đảm các yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật, triển khai từ học kỳ II năm học 2024 - 2025.
Theo ma trận đề kiểm tra định kỳ Bộ GD&ĐT đưa ra kèm công văn này để địa phương tham khảo, đề gồm 2 phần: Trắc nghiệm khách quan (chiếm 7/10 điểm) và tự luận (chiếm 3/10 điểm). Trong phần trắc nghiệm khách quan gồm dạng câu hỏi nhiều lựa chọn (3 điểm), câu hỏi đúng - sai (2 điểm) và câu hỏi trả lời ngắn (2 điểm). Với dạng đúng - sai, mỗi câu hỏi gồm 4 ý nhỏ, mỗi ý học sinh phải chọn đúng hoặc sai. Đối với môn học không sử dụng dạng câu hỏi trả lời ngắn thì chuyển toàn bộ số điểm cho dạng đúng - sai.
Thầy Đào Văn Phúc - giáo viên Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) cho biết, nhà trường luôn có 30% câu hỏi tự luận trong các bài kiểm tra, đánh giá định kỳ; vì xác định học sinh ngoài học để thi tốt nghiệp, xét vào đại học, còn phải nắm vững kiến thức, biết cách trình bày, triển khai cách làm bài.
“Với dạng bài trắc nghiệm, đôi khi giáo viên tìm cách dạy những thủ thuật làm nhanh, hay dự đoán đáp án đúng mà không cần biết bài toán đó giải như thế nào, bao nhiêu bước? Có thầy cô dạy học sinh bấm máy tính để tìm ra đáp số... Vì vậy, tôi đồng tình với việc đề thi kiểm tra, đánh giá có câu hỏi tự luận.
Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã tập huấn các môn và nhận được phản hồi tốt về việc thực hiện theo quy định mà Bộ GD&ĐT ban hành. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức cho học sinh thi khảo sát theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT, đảm bảo các em có kinh nghiệm trong thi theo trắc nghiệm, nhưng cũng nắm được phương pháp làm theo hình thức tự luận”, thầy Đào Văn Phúc cho hay.
Tạo nguồn câu hỏi chất lượng
Cô Nguyễn Phương Lan - Hiệu trưởng Trường THPT Lục Nam (Lục Nam, Bắc Giang) cho rằng, thêm câu hỏi tự luận trong đề kiểm tra phù hợp và cần thiết. Lý do, tự luận là một dạng kiểm tra quen thuộc, phổ biến trong nhà trường; mang lại cơ hội để học sinh thể hiện kiến thức, khả năng phân tích, tổng hợp, sáng tạo thông qua việc tự chọn, tổng hợp và trình bày các thông tin phù hợp với chủ đề hoặc câu hỏi cụ thể. Làm phần bài thi tự luận sẽ giúp học sinh nâng cao kỹ năng trình bày, lập luận…
Lâu nay đề thi tốt nghiệp THPT không có câu hỏi tự luận. Việc yêu cầu đề kiểm tra có tự luận, khác với cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT, theo cô Nguyễn Phương Lan cũng có khó khăn nhất định. Thứ nhất, học sinh lớp 12 thực hiện hai dạng đề trong quá trình học tập và kiểm tra, điều này khiến các em bị phân tâm, khó định hướng trong quá trình học tập. Thứ hai, thực hiện hai dạng đề trong quá trình học tập khiến học sinh mất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, thực hành.
Tuy nhiên, với Trường THPT Lục Nam, trong các bài thi rèn kỹ năng làm bài cho học sinh (mỗi năm tổ chức ít nhất 2 lần), nhà trường luôn ra cấu trúc 70% trắc nghiệm, 30% tự luận (trừ môn Ngữ văn tự luận 100%).
Bên cạnh đó, để tạo nguồn câu hỏi tự luận cho đề kiểm tra định kỳ, cô Nguyễn Phương Lan cho biết, ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng ngân hàng đề, trong đó có phần câu hỏi tự luận cho học sinh được luyện tập; chỉ đạo giáo viên bộ môn trong kế hoạch dạy học, khi giao bài tập về nhà cho học sinh cần có phần câu hỏi tự luận.
Giữa học kỳ I năm học 2024 - 2025, lãnh đạo nhà trường liên kết với nền tảng giáo dục số OLM, giúp giáo viên bộ môn chủ động nghiên cứu, lấy nguồn học liệu phong phú trên nền tảng và hướng dẫn học sinh sử dụng, thực hành nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Theo thầy Trần Văn Hân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp), thực tế cho thấy, học sinh muốn hoàn thành tốt phần trắc nghiệm khách quan thì phải nắm chắc kiến thức cơ bản và trình bày tự luận. Chưa kể hiện tại, với dạng trắc nghiệm đúng - sai, trả lời ngắn, thì phần tự luận để làm nền tảng càng cần thiết hơn.
Việc yêu cầu đề kiểm tra có tự luận (khác với cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT) sẽ ảnh hưởng nhất định nhưng không lớn. Lý do, dù kiểm tra định kỳ lớp 12, các trường tiếp cận cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhưng vẫn còn tuân thủ quy định kiểm tra, đánh giá theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ GD&ĐT.
Thầy Trần Văn Hân đồng thời thông tin, đối với lớp 10, lớp 11, trong kiểm tra định kỳ, Trường THPT Tháp Mười đang thực hiện trắc nghiệm khách quan (chiếm 7/10 điểm) và tự luận (chiếm 3/10 điểm). Riêng lớp 12, bên cạnh duy trì định hướng để học sinh tiếp cận cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT, nhà trường cho học sinh tiếp cận dạng tự luận. Nhất là các dạng câu hỏi bài tập, học sinh phải có nền tảng tự luận vững chắc mới thích ứng được và thuần thục dần cách xử lý nhanh khi làm trắc nghiệm.
Về việc xây dựng câu hỏi tự luận, thầy Trần Văn Hân cho biết, nguồn tài liệu từ nội dung chuẩn bị của thầy cô trong trường, đặc biệt hội đồng bộ môn của tỉnh, đồng thời tham khảo chọn lọc từ kho học liệu phong phú trên Internet.
Đồng Tháp cũng hình thành cụm chuyên môn các trường trong địa bàn, tạo điều kiện để thầy cô được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ tài liệu giảng dạy. Nhà trường cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do cấp trên tổ chức liên quan đến kiểm tra, đánh giá trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 và thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Sở GD&ĐT Bình Dương đã có văn bản đề nghị các cơ sở giáo dục THCS, THPT triển khai kiểm tra, đánh giá theo Công văn số 7991/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT và lưu ý nội dung này không áp dụng đối với môn Ngữ văn. Riêng môn học này, các đơn vị tiếp tục thực hiện theo Công văn số 3373/SGDĐT-GDTrHTX ngày 20/11/2024 của sở GD&ĐT về việc hướng dẫn xây dựng đề kiểm tra, đánh giá định kỳ môn Ngữ văn đối với cấp trung học.