Dựa vào cộng đồng để bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới tại Việt Nam
Ngày 21/5, tại Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế 'Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới: tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững'.
Hội thảo do Bộ Ngoại giao - Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP Hà Nội tổ chức. Đây cũng là một sự kiện trong chuỗi các hoạt động triển khai Kế hoạch Hành động giai đoạn 2021-2025 của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bản ghi nhớ Hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021-2025.
Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo đã đến dự hội thảo. Cùng dự hội thảo còn có các đại biểu đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương sở hữu di sản, các ban quản lý di sản thế giới tại Việt Nam, các chuyên gia, các nhà khoa học trong các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, bảo tồn, bảo tàng, di sản…

Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới: tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững”.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhận định: Di sản không chỉ là ký ức của quá khứ cần được bảo tồn, mà còn là tài sản chiến lược cho tương lai – một nguồn lực quý giá giúp các cộng đồng định vị bản sắc văn hóa, củng cố sự gắn kết xã hội và tạo động lực cho phát triển sáng tạo. Tuy nhiên, các giá trị di sản – cả văn hóa và thiên nhiên – đang đứng trước nhiều nguy cơ: biến đổi khí hậu, đô thị hóa thiếu kiểm soát, mặt trái của toàn cầu hóa, áp lực từ du lịch đại trà, và không ít trường hợp là sự thờ ơ từ chính con người.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản không chỉ để lưu giữ những giá trị của quá khứ mà còn nhằm xây dựng nền tảng bền vững cho tương lai. Tuy nhiên thực tế cho thấy không phải di sản nào cũng được bảo tồn hiệu quả, không phải địa phương nào cũng khai thác và phát huy giá trị di sản một cách hài hòa, bền vững. Đã có những nơi phát triển nóng du lịch dẫn tới quá tải, ô nhiễm, làm xói mòn giá trị nguyên gốc của di sản. Cũng có nơi, người dân địa phương – những người sống giữa di sản – lại chưa thực sự được lắng nghe, tham gia, hoặc hưởng lợi một cách công bằng từ các chính sách bảo tồn và phát triển. Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới: tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững” là một định hướng hết sức đúng đắn, kịp thời và thiết thực, đồng thời góp phần thực hiện những nội dung quan trọng của các hội nghị quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh Tương lai (Future Summit), các cam kết tại Hội nghị P4G vừa qua - nơi Việt Nam thể hiện vai trò trách nhiệm và tích cực trong thúc đẩy hợp tác đa phương vì một tương lai xanh và bền vững.

Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là một trong những di sản thế giới luôn được bảo vệ, phát huy, thu hút đông đảo người dân và du khách.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm quý từ hoạt động thực tiễn, phân tích, đánh giá tổng quan công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, sự đóng góp của di sản thế giới đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đặc biệt là sự tiếp cận cộng đồng. Theo Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Jonathan Baker, cộng đồng địa phương không chỉ là những người hưởng lợi từ việc bảo tồn di sản mà còn là bên liên quan chính và là người giám hộ các giá trị này. Lấy cộng đồng làm trung tâm nghĩa là cho phép người dân địa phương tham gia vào quá trình ra quyết định, tổ chức các hoạt động văn hóa và hưởng lợi về mặt kinh tế và xã hội từ các sáng kiến liên quan đến di sản. Điều này bảo đảm tính bền vững lâu dài, cũng như phát triển kinh tế cho địa phương.
Cũng tại hội thảo, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo đã giải đáp một số vấn đề mà các đại biểu đặt ra, tư vấn về chuyên môn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới trong phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng và chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế.
Dịp này, các đại biểu cũng đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp cho công tác quản lý di sản trong thời gian tới như: Tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản; tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng vì đây chính là chủ sở hữu di sản; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý di sản và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.