Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đề cao vai trò và quyền lực của nhân dân, tin vào khả năng và sức mạnh của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây là quan điểm, là nguyên tắc theo đúng đường lối nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Bởi lẽ, Đảng ta không có mục tiêu nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhân dân là chỗ dựa vững chắc, là nguồn gốc sức mạnh của Đảng. Vì vậy, mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Và trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng ta luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, bảo đảm phát huy vai trò làm chủ của nhân dân và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia xây dựng Đảng một cách thực chất, hiệu quả.

Những năm qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đảng bộ Sóc Trăng thường xuyên chú trọng việc vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy vai trò của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Một trong những giải pháp được thực hiện hiệu quả đó là đổi mới phương thức lãnh đạo, hướng về cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Việc phát huy trí tuệ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên được các cấp ủy địa phương trong tỉnh tiến hành với nhiều biện pháp sáng tạo.

Trước hết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về công tác dân vận và phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, xác định công tác dân vận là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Công tác dân vận không chỉ là tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà quan trọng hơn là tham gia xây dựng Đảng và bảo vệ Đảng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị trong việc phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng.

Sóc Trăng đã và đang huy động các nguồn lực chăm lo cho nhân dân, nhất là những hộ nghèo. Ảnh: THIỆN HẢI

Sóc Trăng đã và đang huy động các nguồn lực chăm lo cho nhân dân, nhất là những hộ nghèo. Ảnh: THIỆN HẢI

Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng đã kịp thời lãnh đạo, tổ chức học tập, triển khai thực hiện các nghị quyết, quy định của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác dân vận phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Nhiều nơi đã có cách làm hay, sáng tạo như đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở, tăng cường các phong trào thi đua yêu nước, thi đua “Dân vận khéo”.

Đồng chí Dương Sà Kha - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Vĩnh Châu cho biết: “Trong quá trình lãnh đạo, Thị ủy luôn coi trọng nhân tố động lực từ nhân dân tham gia xây dựng Đảng. Cấp ủy ở các xã, phường trên địa bàn đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính gắn liền thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Từ đó, khẳng định vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường. Hầu hết các xã, phường trong thị xã lãnh đạo hiệu quả nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế địa phương. Nhờ đó, các thành phần kinh tế phát triển khá mạnh với trên 5.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, 180 doanh nghiệp tư nhân phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, chế biến hàng nông sản, thủy sản và chuyên canh rau màu an toàn đã góp phần tạo việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động và thu ngân sách hằng năm của địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.200 USD/người/năm, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản 170 triệu đồng/ha.

Theo Bí thư Thị ủy, việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở là điều kiện tốt nhất để tập hợp trí tuệ, sức lực của nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị địa phương. Nổi bật là việc các cấp ủy tổ chức hội nghị để nhân dân trực tiếp phản ánh, góp ý cho tổ chức cơ sở đảng về công tác cán bộ, về chủ trương, đường lối của Đảng. Kiến nghị đối với tổ chức Đảng và chính quyền khi phát hiện những hạn chế, yếu kém của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên, nhất là những hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí... Đó là tiếng nói chân thành, khách quan để các cấp ủy đảng nắm rõ hơn về chất lượng đội ngũ cán bộ của mình, có hướng xử lý kịp thời và đề ra kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.

Mặt khác, thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo xã, phường còn trực tiếp đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị, thắc mắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân để chỉ đạo giải quyết ngay từ cơ sở, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, góp phần ổn định an ninh trật tự cơ sở, tăng cường niềm tin trong nhân dân.

Ngoài ra, Đảng bộ Sóc Trăng còn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Quyết định số 217-QÐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” - “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền”. Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt chú trọng việc đề cao vai trò giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quyết định của Đảng về công tác dân vận thành chương trình, kế hoạch hoạt động và tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Nội dung, phương thức hoạt động có nhiều đổi mới, sáng tạo, thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của tình hình thực tiễn, có những mô hình mới, cách làm hiệu quả, có sức lan tỏa, được đoàn viên, hội viên, người lao động, cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt việc quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực. Bên cạnh đó, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả được nâng lên, ngày càng thực chất hơn. Nhiều kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội được các cấp ủy, chính quyền tiếp thu, quan tâm chỉ đạo giải quyết. Công tác tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và hoạt động phản biện xã hội đối với xây dựng cơ chế, chính sách, các dự án luật, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội địa phương đạt nhiều kết quả.

Giai đoạn (2020 - 2025), Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã tổ chức 1.079 cuộc hội nghị đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện đại hội đảng các cấp, có 52.350 lượt người dự. Tham gia góp ý 751 văn bản quy phạm pháp luật, các quyết định, quy chế phối hợp, chương trình, kế hoạch của UBND và các sở, ban ngành. Phối hợp tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật cho nhân dân tại cộng đồng dân cư, gắn với thực hiện quy ước; tham gia công tác hòa giải cơ sở, góp phần giảm thiểu đơn thư khiếu nại, tố cáo. Các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp cải tiến lề lối làm việc theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, luôn lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp của nhân dân, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm then chốt thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025 và hướng tới Đại hội XIV của Đảng. Bên cạnh những thuận lợi, cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng khẳng định vị trí trung tâm của nhân dân trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, thực hành dân chủ rộng rãi, công khai, trước hết là dân chủ trong Đảng. Phát huy dân chủ phải được coi là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để nhân dân tham gia hiệu quả vào công cuộc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, là cơ sở quan trọng để Đảng dựa vào nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các cấp ủy, chính quyền cần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền làm chủ, ý thức trách nhiệm của nhân dân để mỗi người dân nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Mỗi người dân cần nhận thức rõ khi thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng chính là giúp cho Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, cũng là để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Khi nhận thức rõ ràng và đầy đủ, mỗi người dân sẽ nâng cao tinh thần tự giác để phát huy quyền làm chủ của mình một cách thuận lợi và hiệu quả hơn".

CAO TRÍ

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xay-dung-dang/202502/dua-vao-nhan-dan-e-xay-dung-ang-d256f52/