Lao đao khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm, chế độ
Không ít người lao động trên cả nước đang rơi vào tình cảnh khốn đốn vì doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dài dẫn đến không có thẻ BHYT để khám chữa bệnh, không được hưởng chế độ thai sản, nghỉ ốm, tai nạn lao động hay thậm chí mất luôn quyền nhận lương hưu…
Trong khi đó, không ít doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, né tránh trách nhiệm và đẩy gánh nặng lên vai người lao động. Trước thực trạng đáng báo động này, cơ quan chức năng cần có biện pháp quyết liệt hơn để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Cống hiến một đời, nhận về tay trắng
Hơn một năm qua, không khí trong căn nhà nhỏ của chị Nguyễn Thị Hằng (xã Trực Thắng, Ninh Bình) lúc nào cũng trầm buồn. Người phụ nữ với vóc dáng gầy guộc và đôi mắt luôn ánh lên vẻ lo âu vì đã trải qua quãng thời gian không dễ dàng khi vừa làm mẹ, vừa gánh vác cả gia đình sau ngày chồng mất cách đây hơn một năm.

Chị Sáu cố bám trụ công ty chỉ mong được đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ.
Mất đi trụ cột gia đình, một mình chị Hằng phải xoay sở để nuôi 3 con nhỏ. Niềm mong mỏi duy nhất của chị là có được bảo hiểm xã hội và lấy được chế độ thai sản để gánh nặng cơm áo được vơi đi phần nào. Thế nhưng cái điều tưởng như hiển nhiên ấy là trở nên quá xa vời với chị Hằng lúc này.
Chị Hằng từng là công nhân gắn bó từ những ngày đầu với Công ty Việt Phát - Hải Phú, địa chỉ: xã Hải Xuân, tỉnh Ninh Bình (trước đó là xóm Mai Quyền, xã Hải Phú, huyện Hải Hậu, Nam Định). Trước đó chị Hằng luôn tin rằng chỉ cần làm việc chăm chỉ, rồi mọi thứ sẽ đủ đầy, ít ra là một tấm thẻ bảo hiểm y tế khi đau ốm, một khoản trợ cấp thai sản khi sinh con. Nhưng từ tháng 12/2022, những quyền lợi tưởng như nhỏ bé ấy cũng bị tước đoạt, khi công ty bắt đầu nợ bảo hiểm xã hội. Thai sản không có, thẻ BHYT bị khóa, những lần chị đi khám bệnh hay đưa con đến bệnh viện đều phải vay mượn để chi trả.
“Nhiều lúc người mệt, ốm cũng không dám nghỉ. Ba đứa nhỏ ở nhà, nếu tôi không đi làm thì lấy gì mà ăn. Nhưng càng cố bám trụ lại với công ty để chờ bảo hiểm, càng chẳng thấy đâu cả” chị Hằng nói rồi im lặng thật lâu.
Câu chuyện của chị Hằng không phải là duy nhất. Ở xã Ninh Cường (tỉnh Ninh Bình), chị Trần Thị Sáu cũng đang mỏi mòn chờ đợi một điều rất đỗi đơn giản: được đóng đủ bảo hiểm. Là một trong những lao động bị nợ BHXH lâu nhất tại công ty, chị Sáu hiểu rõ cảm giác mong mỏi, hy vọng rồi lại thất vọng mỗi lần công ty hứa “tháng sau sẽ đóng”. Đồng nghiệp của chị người thì chuyển việc, người thì bỏ về quê, chỉ còn chị và một số người nữa vẫn cố nán lại. “Tôi và các chị em thậm chí chấp nhận công ty nợ lương, chỉ mong được đóng bảo hiểm đầy đủ. Công ty hứa tháng 3 sẽ đóng nhưng rồi lời hứa vẫn chỉ là lời hứa,” chị Sáu buồn bã chia sẻ.
Tại Thủ đô Hà Nội, giữa lòng phố thị sầm uất, nhiều lao động nữ từng làm việc tại Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục Igarten (Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, phường Yên Hòa) cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Không được hưởng chế độ thai sản, không có hoa hồng tuyển sinh như cam kết, cuộc sống của họ vốn đã chật vật với tiền thuê nhà, chi phí nuôi con, giờ càng thêm khốn khó.
Chị Đặng Thị Thu Hiền, quê Hải Phòng đã có thâm niên hơn 11 năm làm việc tại Igarten, với mức lương 8 triệu đồng/tháng. “Họ nợ tôi cả tiền thai sản, cả tiền thưởng hiệu quả gần 40 triệu đồng. Khi biết công ty không đóng BHXH, tôi đã phải nghỉ việc. Nhưng ra đi trong tâm thế trắng tay, tôi chưa từng nghĩ đến”, chị Hiền nói.
Mới đây, vào ngày 16/4, Sở Nội vụ Quảng Nam đã phối hợp với Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 và các đơn vị liên quan tổ chức đối thoại với gần 200 công nhân liên quan đến việc nợ bảo hiểm xã hội và chế độ đối với người lao động.

Công nhân Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 tham dự buổi đối thoại.
Được biết, Công ty TNHH May Minh Hoàng II (thành phố Đà Nẵng ) chậm đóng BHXH gần 10,3 tỉ đồng.
Chị Trần Thị H, làm việc tại công ty gần 8 năm nhưng gần đây đã xin nghỉ để chuyển sang chỗ làm khác. Khi làm thủ tục thì chị tá hỏa khi biết công ty nợ BHXH, chưa chốt sổ. “Tôi lo nhất là sau này có chuyện gì thì quyền lợi của mình không được bảo vệ. Làm suốt một thời gian dài mà giờ lại phải tự gánh hết những điều lẽ ra đáng được hưởng”, chị H bộc bạch.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Thành Sơn, có thâm niên 36 năm cống hiến tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang cũng đang trong tình cảnh cay đắng. Cụ thể, ông Sơn nghỉ hưu từ năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa được chốt sổ BHXH, bởi Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang đang nợ bảo hiểm của ông tới 5 năm 2 tháng. Ông Sơn bảo, ông cũng chỉ hy vọng khi hết tuổi lao động mình sẽ có một khoản lương hưu để sống yên ổn. Nhưng giờ hy vọng ấy đã chuyển thành nỗi thất vọng, bởi thậm chí đến tấm thẻ bảo hiểm y tế cũng phải tự bỏ tiền ra mua.
Cùng công ty với ông Sơn, anh Nguyễn Tăng Lợi, một công nhân trẻ hơn cũng rơi vào tình cảnh bị treo quyền lợi. “Mỗi tháng lương trừ bảo hiểm đầy đủ, nhưng công ty không nộp. Giờ muốn làm bảo hiểm thất nghiệp cũng không được, vì sổ có được chốt đâu,” anh Lợi nói đầy bất lực.
Ngày 28/5/2025, Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết đã ban hành 19 quyết định xử phạt đối với các doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài, tổng tiền phạt lên đến 825 triệu đồng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang là cái tên đứng đầu danh sách, nợ hơn 21 tỷ đồng từ năm 2010 đến nay.
Giữa những con số khô khan ấy là hàng ngàn, hàng vạn cuộc đời đang bị kẹt lại. Họ không đòi hỏi quá nhiều, chỉ mong một lần được nhìn thấy những năm tháng lao động của mình được ghi nhận bằng những quyền lợi căn bản. Một tấm thẻ bảo hiểm y tế, một chế độ thai sản, một khoản lương hưu khi về già. Những gì họ cần không phải là lời hứa hẹn, càng không phải là sự im lặng. Bởi đằng sau những con số khổng lồ về nợ bảo hiểm là những phận người thật, những câu chuyện thật, mà nếu không kịp thời cứu lấy, sẽ còn nhiều chị Hằng, chị Sáu, chị Hiền… trắng tay sau cả một đời cống hiến.
Những con số đáng báo động và lỗ hổng pháp lý cần bịt kín
Hơn 22.000 tỷ đồng nợ đọng bảo hiểm đang treo lơ lửng trên vai người lao động, theo công bố mới nhất của BHXH Việt Nam. Con số này không chỉ phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình trạng trốn đóng bảo hiểm, mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiệu lực của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi người lao động.

Nhiều người lao động lâm vào cảnh khốn khổ khi doanh nghiệp nợ BHXH.
Tính đến hết tháng 4/2025, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trên toàn quốc đã vượt mốc 22.300 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hơn 10.000 doanh nghiệp đã nợ kéo dài từ 6 tháng đến nhiều năm, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm nghìn lao động. Đáng nói, không ít doanh nghiệp trong số này vẫn hoạt động bình thường, có doanh thu, thậm chí có lãi, nhưng cố tình không hợp tác với cơ quan BHXH để khắc phục vi phạm.
Riêng tại Hà Nội, gần 2.000 doanh nghiệp đang nợ hơn 1.300 tỷ đồng, trong đó có đơn vị nợ từ 5 đến 10 năm. Điều đó cho thấy, việc né tránh nghĩa vụ bảo hiểm dường như đã trở thành “thói quen” của một bộ phận doanh nghiệp, trong khi người lao động là bên phải gánh chịu hậu quả rõ ràng và trực tiếp nhất.
Hành vi trốn đóng, chây ỳ đóng BHXH không phải là khoảng trống pháp lý. Trái lại, hệ thống luật pháp hiện hành đã quy định khá đầy đủ và chặt chẽ. Khoản 1 Điều 214 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) nêu rõ: hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động từ 6 tháng trở lên có thể bị xử lý hình sự, với mức phạt tù lên đến 7 năm, phạt tiền tới 1 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động doanh nghiệp. Điều 122 của Luật BHXH 2014 cũng cho phép cơ quan BHXH khởi kiện doanh nghiệp ra tòa trong trường hợp chây ì, không hợp tác. Bên cạnh đó, Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định rõ mức xử phạt hành chính từ 50 đến 75 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm về đóng BHXH.
Tuy nhiên, thực tiễn lại cho thấy sự lỏng lẻo trong việc thực thi pháp luật. Năm 2024, toàn quốc chỉ có bốn vụ vi phạm bị khởi tố hình sự, một con số quá nhỏ bé so với hàng chục nghìn doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm. Lý do, theo BHXH Việt Nam, là do việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra còn gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt trong công tác giám định thiệt hại và xác minh ý chí chủ quan của doanh nghiệp.
Thêm vào đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng từng lên tiếng chỉ rõ: quy định hiện hành cho phép khởi kiện, nhưng quá trình khởi kiện kéo dài, tốn kém chi phí và phần lớn kết quả thi hành án dân sự sau cùng rất thấp. Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì thừa nhận, lực lượng thanh tra chuyên ngành quá mỏng, trong khi số lượng doanh nghiệp cần kiểm tra lại quá lớn, gây ra tình trạng “kiểm tra không xuể”.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng các kẽ hở pháp lý để trốn tránh nghĩa vụ. Một số công ty cố tình ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng, hình thức không bắt buộc phải đóng BHXH, hoặc trả lương bằng tiền mặt để né tránh kê khai thu nhập thực tế. Không ít doanh nghiệp còn không khai báo danh sách lao động với cơ quan BHXH để né toàn bộ trách nhiệm. Đây là những thủ đoạn phổ biến, nhưng vẫn tồn tại trong nhiều năm qua mà không bị xử lý thích đáng.
Người lao động, đặc biệt là phụ nữ, lao động lớn tuổi, hoặc người đơn thân nuôi con là nhóm chịu thiệt thòi nặng nề nhất. Họ không chỉ mất quyền lợi về thai sản, nghỉ ốm, khám chữa bệnh bằng BHYT mà thậm chí cả chế độ hưu trí cũng bị treo lơ lửng.
Bên cạnh việc xử lý mạnh tay, cũng cần bịt kín các kẽ hở đang bị lợi dụng. Một trong những đề xuất đáng chú ý là sửa đổi Luật BHXH theo hướng bắt buộc tất cả các hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên đều phải tham gia BHXH, không phân biệt loại hình. Đồng thời, cần bổ sung quy định về trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu doanh nghiệp đối với hành vi nợ BHXH, tránh tình trạng doanh nghiệp “xù nợ” rồi phá sản, còn người lao động mất trắng mà không ai chịu trách nhiệm.
Yêu cầu về minh bạch cũng được nhấn mạnh. BHXH Việt Nam thời gian tới sẽ tiếp tục công khai danh sách các doanh nghiệp nợ BHXH trên cổng thông tin điện tử và các phương tiện truyền thông đại chúng. Điều này không chỉ tạo áp lực dư luận mà còn giúp người lao động biết rõ tình trạng doanh nghiệp mình đang làm việc, từ đó có quyết định phù hợp. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ, cụ thể là cho phép người lao động tra cứu mã số BHXH và lịch sử đóng trên ứng dụng VssID, được đánh giá là công cụ hữu hiệu để tăng tính chủ động và minh bạch.
Một điểm mấu chốt khác cần được luật hóa là việc tăng thẩm quyền cho công đoàn và thanh tra lao động. Các tổ chức này cần được phép áp dụng những biện pháp khẩn cấp như phong tỏa tài khoản doanh nghiệp, cấm xuất cảnh lãnh đạo công ty trong trường hợp nợ BHXH nghiêm trọng. Không thể để người lao động một lần nữa đơn độc, chống chọi với sự vô trách nhiệm từ chính nơi mình cống hiến cả thanh xuân.
Bảo hiểm xã hội không phải là một sự “ưu đãi” mà là quyền lợi hợp pháp, được pháp luật quy định rõ ràng. Nếu không có những động thái cứng rắn, triệt để và thực chất từ các cơ quan chức năng, vòng luẩn quẩn “nợ - chây ì - phớt lờ” sẽ còn tiếp diễn, để lại những hệ lụy lâu dài không chỉ cho người lao động mà cho cả nền an sinh xã hội quốc gia.