Đưa ý tưởng 'đô thị sinh thái' thành hiện thực
Đô thị sinh thái không chỉ ở sự hoàn thiện của cơ sở hạ tầng mà còn phải tạo ra những giá trị nhân văn hướng tới con người một cách toàn diện và khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế, dựa trên việc bảo tồn giá trị truyền thống, phát huy vai trò của thiên nhiên và hình thành một cộng đồng tri thức, nhân văn
Trong định hướng phát triển bền vững, các đô thị lớn ở Việt Nam đều hướng đến và ưu tiên phát triển mô hình đô thị sinh thái. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này đòi hỏi cần có sự nỗ lực rất lớn từ chính quyền đến người dân để sớm hiện thực hóa.
Mong muốn thành "nơi đáng sống"
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040, do Viện Quy hoạch Đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) thuộc Bộ Xây dựng làm đơn vị tư vấn tập trung vào các mục tiêu chính về định hướng phát triển không gian tổng thể, quy hoạch sử dụng đất và phân vùng chức năng, định hướng về thiết kế đô thị, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật… để biến TP Nha Trang trở thành TP du lịch biển quốc tế - có chất lượng môi trường sống tốt và đặc sắc, thu hút lực lượng lao động có tri thức tốt, hình thành nền kinh tế tri thức - sáng tạo - công nghệ cao, bước đầu trở thành một TP thương mại tài chính tầm vóc quốc gia và khu vực Đông Nam Á.
Trong đó, vấn đề đầu tiên mà VIUP đặt ra chính là chiến lược bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên. Cụ thể, 3 vấn đề ở chiến lược này, gồm: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản cảnh quan tự nhiên của vịnh Nha Trang. Bảo tồn và nâng cao giá trị cảnh quan sinh thái núi, phát huy được giá trị đặc sắc của đô thị tựa núi, hướng biển. Vấn đề thứ 3 chính là xử lý nước thải và bảo vệ chất lượng môi trường nước sông, nước biển... TP Nha Trang sẽ tiếp tục phát huy dải đô thị trung tâm, phát triển đô thị du lịch, kết nối với không gian du lịch biển; phát triển các đảo đô thị, lấy mặt nước làm trung tâm gắn với công viên rừng ngập mặn tại vùng trũng phía Tây Nha Trang.
Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho biết theo điều chỉnh quy hoạch chung của TP đến năm 2030, mô hình và cấu trúc phát triển không gian Đà Nẵng được gắn với cảnh quan đặc trưng theo 3 vùng đô thị, gồm vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi và 1 vùng sinh thái, gồm khu vực rừng, núi, đồi phía Tây và phía Bắc, khu du lịch quốc gia Sơn Trà và huyện Hoàng Sa, các sông và hồ cùng với đường bờ biển trong vùng sinh thái. Trong đó, vùng sinh thái bao gồm 3 khu vực: khu vực rừng, núi và đồi phía Tây, từ dãy núi Bạch Mã - Hải Vân qua các xã Hòa Bắc, Hòa Liên nối liền dãy núi Bà Nà qua các xã Hòa Ninh, Hòa Phú đến Hòa Khương; khu du lịch quốc gia Sơn Trà và huyện đảo Hoàng Sa; các sông và hồ cùng với đường bờ biển dài trong vùng sinh thái. Theo ông Phong, các khu vực này là yếu tố quyết định chính cho ranh giới đô thị hóa của Đà Nẵng và cũng là tiềm năng phát triển du lịch, bảo tồn hệ sinh học đa dạng và thúc đẩy phát triển bền vững, tiến tới một TP đáng sống.
Năm 2005, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt quy doạch chung khu đô thị mới (KĐTM) An Vân Dương với ý tưởng là khu đô thị sinh thái trên cơ sở khai thác các hệ thống mặt nước hiện có trong khu vực, đô thị gắn với không gian mặt nước, kết hợp với các giải pháp cây xanh cách ly, cây xanh - thể dục thể thao hình thành nên một đô thị mới vừa hiện đại vừa hài hòa với môi trường xung quanh, vấn đề được đặc biệt quan tâm trong sự phát triển của TP Huế. KĐTM An Vân Dương được hướng đến với mục tiêu gắn kết các yếu tố điển hình của đô thị truyền thống với đô thị hiện đại. Bảo tồn và phát huy tối đa giá trị các di tích lịch sử, văn hóa và cảnh quan. Tổng diện tích KĐTM An Vân Dương (bao gồm cả khu E) khoảng 2.200 ha, với diện tích cây xanh là 545 ha ở TP Huế, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang. Trong đó, có 7 công viên tập trung với diện tích khoảng 106 ha; 50 khu đất cây xanh cảnh quan mặt nước có diện tích khoảng 162 ha; 12 khu đất cây xanh khu ở có diện tích khoảng 23 ha; 9 khu đất sinh thái nông nghiệp có diện tích khoảng 150 ha; 1 khu đất thể dục thể thao có diện tích khoảng 80 ha và 10 khu đất cây xanh cách ly có diện tích khoảng 12 ha.
Cần thiết phát triển đô thị sinh thái tại TP HCM
Phát triển đô thị sinh thái tại TP HCM được các chuyên gia cho rằng rất cần thiết, nhất là trong điều kiện dân số phát triển quá nhanh, mật độ xây dựng cao, chất lượng sống của người dân bị suy giảm. Trong đó, những địa phương có điều kiện phát triển đô thị sinh thái không chỉ huyện Cần Giờ mà các huyện Củ Chi, Hóc Môn, một số địa phương thuộc TP Thủ Đức vẫn có cơ hội.
Ngoài định hướng phát triển Cần Giờ thành khu đô thị sinh thái biển, việc thành lập các khu đô thị sinh thái tại Hóc Môn, Củ Chi mới chỉ là ý tưởng. Để hiện thực hóa ý tưởng này, ngay bây giờ, các địa phương cùng TP lên ý tưởng, điều chỉnh quy hoạch, chuẩn bị những bước đi dài hơi hơn.
KTS Huỳnh Xuân Thụ phân tích sở dĩ các huyện Hóc Môn, Củ Chi có những điều kiện thuận lợi xây dựng khu đô thị sinh thái bởi nơi đây có tiềm năng mà thiên nhiên ưu đãi như giáp biển, cập sông Sài Gòn, nguồn nước ở thượng nguồn chưa ô nhiễm như hạ nguồn; địa hình có nhiều kênh, rạch đi qua, nhiều vườn cây ăn trái, còn nhiều đất nông nghiệp, chất lượng không khí, đất, nước khá ổn định. Ngoài ra, mật độ dân cư thưa, chủng loại các công trình xây dựng chủ yếu là nhà ở riêng lẻ của người dân, còn nhiều quỹ đất sạch… Tất cả những điều kiện trên là cơ sở, nền tảng để phát triển vùng đô thị chất lượng cao cả về hạ tầng, công ăn việc làm, chất lượng sống cho người dân.
"Nếu đã có ý tưởng hình thành các khu đô thị sinh thái, TP HCM cần sớm điều chỉnh quy hoạch, lựa chọn mô hình thích hợp, từ đó kêu gọi các nhà đầu tư. Lưu ý khi thực hiện phải có cân nhắc, nghiên cứu kỹ như nghiên cứu dòng chảy, thủy triều, sinh vật, sự bồi lắng… bởi làm đô thị cho con người sống được phải tính cho hệ động, thực vật sống được" - KTS Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM, nhấn mạnh.