Dubai: Kỳ quan kiến trúc giúp thay đổi nền kinh tế
Dubai nổi tiếng là thành phố của những điều kỳ diệu, những công trình kiến trúc đạt kỷ lục thế giới về sự kỳ vĩ, xa hoa. Nhưng dường như ý chí biến Dubai thành thành phố của những ý tưởng kiến trúc không tưởng chưa bao giờ dừng lại.
Những ý tưởng không tưởng
Tháng 5 vừa qua, doanh nhân người Canada Michael Henderson đã chia sẻ ý định táo bạo: Xây dựng khu nghỉ dưỡng 5 tỷ USD mô phỏng mặt trăng ở Dubai. Khu nghỉ dưỡng này có hình cầu, được nâng đỡ bởi một tòa nhà hình trụ và sẽ phát sáng vào ban đêm. Bản sao mặt trăng cao 274 mét đặt bên trên tòa nhà cao 30 mét. Bên trong cấu trúc hình cầu là một khu nghỉ dưỡng với khách sạn 4.000 phòng, hội trường sức chứa 10.000 người.
Dự án còn vạch ra ý tưởng xây “thuộc địa mặt trăng” - một khu mô phỏng giúp khách có cảm giác như đang bước đi thực sự trên mặt trăng. Mặc dù được đánh giá là quá táo bạo, song doanh nhân Henderson tin rằng dự án của mình không hão huyền. Ông hài hước chia sẻ: “Chúng tôi có thương hiệu lớn nhất thế giới, 8 tỷ người biết đến thương hiệu của chúng tôi mà thậm chí chúng tôi còn chưa bắt đầu”.
Niềm tin đó còn bởi Dubai là thành phố đã biến rất nhiều ý tưởng “bất khả thi” trở thành hiện thực. Đây là nơi có tòa nhà Burj Khalifa cao 2.716 feet (tương đương 828 mét), cao gấp đôi tòa nhà Empire State của New York và cao gấp ba lần tháp Eiffel ở Paris.
Bên cạnh đó, tòa tháp còn nắm giữ vô số kỷ lục khác như là tòa tháp có cấu trúc đứng tự do cao nhất thế giới; tòa nhà có nhiều tầng nhất thế giới: 211 tầng, bao gồm cả chóp; tầng quan sát ngoài trời cao nhất thế giới (ở tầng 124, độ cao 452m); thang máy có khoảng cách di chuyển dài nhất thế giới; thang máy cao nhất thế giới; phòng trưng bày nghệ thuật cao nhất thế giới...
Trước khi được xây dựng vào năm 2004, ý tưởng xây tòa tháp này được cho là “điên rồ” nhưng chính phủ vẫn quyết định thực hiện nó để thúc đẩy sự phát triển đa dạng của nền kinh tế trước đó chỉ dựa vào dầu mỏ, và để Dubai được thế giới biết đến nhiều hơn.
Không chỉ có tòa nhà Burj Khalifa, giờ đây nhắc đến Dubai là nhắc tới một quần thể các công trình kiến trúc kỳ vĩ như tháp xoay Dynamic Tower Hotel, quần đảo nhân tạo lớn nhất thế giới (Palm), quần đảo nhân tạo hình bản đồ thế giới (The world) gồm 300 đảo với chi phí xây dựng lên đến 14 tỷ USD, khách sạn sang trọng nhất thế giới Burj Al Arab...
Christopher Davidson, một chuyên gia về Trung Đông, nhận định: Giới cầm quyền Dubai có thể ủng hộ ý tưởng khu nghỉ dưỡng Mặt Trăng. Dubai là nơi đặt trung tâm vũ trụ của Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), cơ quan đã gửi một tàu thăm dò tới sao Hỏa và cố gắng đưa một xe tự hành lên mặt trăng nhưng không thành công. “Giới tinh hoa Dubai tin tưởng mạnh mẽ vào khoa học và tiến bộ. Một siêu dự án như thế này dường như đáp ứng được các yêu cầu đó” - Davidson nhận xét.
Át chủ bài
Dubai đã khẳng định vị thế của mình trong số các quốc gia hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và du lịch. Với tư cách là trung tâm khởi nghiệp và đổi mới của khu vực, Dubai tập trung vào việc mang lại công nghệ và đổi mới tốt nhất cho UAE. Với các khoản đầu tư hào phóng vào các công ty khởi nghiệp mới nổi, Dubai trở thành trung tâm khởi nghiệp hàng đầu ở khu vực MENA (Trung Đông và Bắc Phi).
Những năm gần đây, du lịch nổi lên như một động lực quan trọng. Dubai đã đón 15,93 triệu du khách vào năm 2018, là điểm đến phổ biến thứ tư trên toàn cầu. Một phần lớn danh tiếng quốc tế của Dubai có được nhờ thành phố phát triển các tòa nhà kiến trúc độc đáo, đại diện cho đỉnh cao của kỹ thuật hiện đại và sự xa xỉ.
Gần 15 năm trôi qua kể từ khi Dubai khánh thành tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa vào năm 2009, Dubai hôm nay đã chuyển mình. Giá thuê nhà tại đây tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2022. 86.849 căn hộ được bán vào năm ngoái, vượt qua kỷ lục 80.831 căn vào năm 2009. Các sản phẩm mới đều “cháy hàng”. Giới siêu giàu của thế giới cũng đang kéo đến để sở hữu bất động sản có giá hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đô ở thành phố này.
Các nhà đầu tư chọn Dubai cho “những ý tưởng vượt thời đại” bởi môi trường Dubai là nơi tốt nhất để hiện thực hóa nó. Chính phủ UAE tạo điều kiện thuận lợi cho việc thương mại hóa những ý tưởng này và hoàn toàn hoan nghênh tất cả các ý tưởng kiến trúc được trình bày để tạo ra một mô hình độc đáo.
Trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế vốn chỉ phụ thuộc vào dầu mỏ để chuyển sang nền kinh tế chuyên về dịch vụ và du lịch, Dubai gần như sử dụng kiến trúc làm “át chủ bài” và đã thành công. Việc có một tòa nhà độc đáo có thể có tác động đáng kể đến việc tăng số lượng các điểm tham quan ở Dubai và phục hồi sức sống ở một số khu vực. Ông William Baker, một chuyên gia về kiến trúc, người đã thực hiện một số “dự án tỷ đô” ở Dubai, trong đó có tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa, đánh giá: “Trong tự nhiên, mọi thứ tiến triển thông qua quá trình tiến hóa. Nhưng trong kiến trúc, bạn có thể tạo ra một “loài mới” từ con số không”.