Đức: Choáng váng nhà thờ cổ hiện hình sau 700 năm mất tích trong bão
Cuộc khám phá mới nhất về thị trấn cổ Rungholt, được mệnh danh là 'Atlantis của Biển Bắc', đã dẫn đến tàn tích của một nhà thờ cổ ngoài khơi nước Đức cùng nhiều cấu trúc đáng kinh ngạc lân cận.
Truyền thuyết Đức kể rằng Rungholt là một thị trấn thịnh vượng và rộng lớn bên bờ biển nước Đức cổ đại, được cho là đã phải chịu một số phận thảm khốc như một "sự trừng phạt của thần linh".
Tất nhiên về mặt khoa học, thị trấn được cho là biến mất trong một thiên tai tàn khốc là một cơn bão thủy triều tấn công bờ biển vào tháng 1 năm 1362 và vùi lấp toàn bộ thị trấn trong những con sóng.
Thị trấn trong truyền thuyết đã hiện ra một lần nữa trong cuộc nghiên cứu của nhóm khoa học gia đến từ Đại học Kiel (CAU), Đại học Johannes Gutenberg Mainz (JGU), Trung tâm Khảo cổ Baltic và Scandinavi (ZBSA) và Cục Khảo cổ Bang Schleswig-Holstein (ALSH).
Họ đã xác định được vị trí của tòa nhà nguy nga ngay bờ biển nơi thị trấn Rungholt được cho là từng tọa lạc bằng cách kết hợp phương pháp địa khoa học và khảo cổ học, chẳng hạn như phép đo từ trường, cảm ứng điện từ và địa chấn.
Tòa nhà này được xác định là một nhà thờ cổ tọa lạc trên phần nền có kích thước 40x 5 m, nằm giữa một tàn tích kéo dài 2 km của một khu định cư.
Tiến sĩ Ruth Blankenfeldt, nhà khảo cổ học tại ZBSA, cho biết: "Điểm đặc biệt của phát hiện nằm ở tầm quan trọng của nhà thờ với tư cách là trung tâm của một cấu trúc định cư, mà ở quy mô của nó phải được hiểu là một giáo xứ quan trọng thời bấy giờ".
Các cuộc khảo sát trong khu vực rộng lớn hơn trải rộng trên diện tích hơn 10 km2 cũng đã tiết lộ 54 dải cấu trúc thuộc về các khu định cư, hệ thống thoát nước được xây dựng tốt, một con đê ven biển, bến cảng và 2 nhà thờ nhỏ hơn.
Các nhà khảo cổ cho biết các cuộc khai quật tiếp theo cần khẩn trương bởi những gì còn lại của khu định cư tương đối mờ nhạt, có thể bị hư hại tiếp bởi thiên tai.