Đức chưa thấy 'ánh sáng cuối đường hầm' sau cú sốc năng lượng
Năng lực công nghiệp ở châu Âu sẽ khó phục hồi về mức trước xung đột, trong khi các nhà sản xuất đang có xu hướng chuyển dịch sang Mỹ.
Ngành công nghiệp Đức trở nên giàu có, một phần nhờ vào mối quan hệ thương mại năng lượng chặt chẽ với Nga. Nhưng tình hình đã thay đổi nhanh chóng kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine hơn 2 năm trước và nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Moscow cho Berlin bị gián đoạn không lâu sau đó.
Trước xung đột, Đức đã nhập khẩu 55% nguồn cung khí đốt từ Nga. Moscow cũng là nguồn nhập khẩu dầu và than chính của Berlin.
Kể từ đó, quốc gia Tây Âu đã thoát khỏi phần lớn sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. Đức đã cắt giảm 32,6% lượng khí đốt nhập khẩu vào năm 2023, chủ yếu là do cắt nguồn cung từ Nga, cơ quan quản lý năng lượng của Đức cho biết.
Giờ đây, người đứng đầu một trong những công ty năng lượng tái tạo lớn nhất nước Đức bày tỏ lo ngại rằng ngành công nghiệp được ví như xương sống của nền kinh tế đất nước đang gặp “bất lợi” do biến động giá khí đốt.
Mặc dù giá khí đốt ở châu Âu đã giảm đáng kể, 90% so với mức đỉnh năm 2022, giá vẫn cao hơn gần 2/3 so với năm 2019, theo báo cáo của cơ quan định giá hàng hóa Argus. Sau khi quay lưng với khí đốt Nga, nền kinh tế đầu tàu châu Âu lại phụ thuộc vào việc nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ hơn. Những tác động đối với ngành công nghiệp Đức đã rõ rệt và có thể sẽ kéo dài.
Ông Markus Krebber, CEO của công ty năng lượng tái tạo RWE, gần đây đưa ra nhận định rằng ngành công nghiệp Đức khó có thể phục hồi trở lại mức trước xung đột.
“Các vị sẽ thấy một chút phục hồi, nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến sự suy giảm đáng kể về cơ cấu nhu cầu trong các ngành thâm dụng năng lượng”, ông Krebber nói với tờ Financial Times (Anh) tuần trước.
Các nhà phân tích đã vẽ ra một bức tranh kém tươi tắn cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Gần đây, 5 viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của nước này. Họ cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sẽ chỉ tăng 0,1% trong năm nay do xuất khẩu sụt giảm.
Berlin khẳng định rằng họ đang đổ tiền vào việc chuyển đổi nền kinh tế, định vị nền kinh tế này để có được những lợi thế cạnh tranh lớn trong tương lai trong một thế giới trung hòa carbon.
Nhưng sự trì trệ công nghiệp của Đức đã trở thành một chủ đề nhạy cảm về mặt chính trị, khi tổ chức vận động hành lang công nghiệp có ảnh hưởng của đất nước, BDI, chỉ trích các chính sách xanh “giáo điều” đang tác động đến các nhà sản xuất.
Bà Samantha Dart, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về khí đốt tại Goldman Sachs, nhận thấy năng lực công nghiệp ở châu Âu sẽ khó phục hồi về mức trước xung đột. Bà cho rằng việc giá khí đốt ổn định hơn và điều kiện kinh tế tốt hơn sẽ thúc đẩy một số nhu cầu, nhưng để “quay trở lại thời kỳ tiền khủng hoảng” là một thách thức lớn hơn nhiều.
Song song với đó, các nhà sản xuất đang có xu hướng chuyển dịch sang Mỹ. Phân tích của FDI Markets cho thấy, các công ty Đức đã tăng gần gấp 3 lần khoản đầu tư vào “xứ cờ hoa” vào năm 2023 lên 15,7 tỷ USD.
Sự suy thoái của ngành công nghiệp Đức là nguyên nhân dẫn đến dòng vốn chảy sang Mỹ và Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Tổng thống Joe Biden, vốn cung cấp các khoản trợ cấp lớn cho các doanh nghiệp mới thành lập, là chất xúc tác mạnh mẽ.
Các nhà sản xuất ô tô lớn của Đức như Volkswagen và Mercedes-Benz đã tăng cường cam kết của họ tại Mỹ. Trong khi đó, RWE đã công bố một chi nhánh mới ở Mỹ có tên là RWE Clean Energy, sau khi hoàn tất thương vụ mua lại Doanh nghiệp Năng lượng Sạch Con Edison. Công ty Đức đã dành 15 tỷ USD để đầu tư vào hoạt động kinh doanh tại Mỹ.
“Ở Mỹ, các vị có một chính sách mạch lạc và toàn diện để khuyến khích đưa hoạt động sản xuất đến nước này”, ông Krebber, CEO của RWE, nói với Financial Times. “Châu Âu có cùng ý định nhưng chưa có biện pháp đúng đắn”.
Minh Đức (Theo Financial Times, Fortune)