Đức có thể triển khai gói trợ cấp khí đốt sớm hơn kế hoạch
Chính phủ Đức đang tìm cách đưa ra mức trần giá khí đốt tự nhiên dự kiến cho các hộ gia đình và doanh nghiệp ngay từ tháng 1/2023, sớm hơn kế hoạch ban đầu là vào tháng 3 hoặc tháng 4.
Người phát ngôn của Chính phủ Đức hôm đầu tuần này cho biết, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang cân nhắc các khía cạnh thực tế của việc bắt đầu giới hạn giá khí đốt. Đây sẽ là một hình thức trợ cấp vào đầu năm tới.
Tuy nhiên, Hiệp hội Công nghiệp năng lượng (BDEW), nói rằng việc đưa ra mức trần cho giá khí đốt là không thể thực hiện ngay từ tháng 1/2023, vì sự phức tạp của các thay đổi kĩ thuật và hành chính không thể thực hiện trong thời gian ngắn như vậy.
Hồi đầu tháng này, một nhóm chuyên gia đã đề xuất các biện pháp nhằm giảm bớt tác động của giá năng lượng tăng cao đối với người tiêu dùng, với các giải pháp bao gồm thanh toán một lần và trợ cấp hơn một nửa lượng khí đốt dự kiến tiêu thụ.
Giới chuyên gia khuyến nghị các hộ gia đình và doanh nghiệp thanh toán một lần hóa đơn khí đốt trị giá một tháng và được hưởng trợ giá từ 60 - 80% lượng khí đốt tiêu thụ dự kiến, trong khi người tiêu dùng sẽ trả phần còn lại theo giá thị trường.
Việc thanh toán một lần sẽ được thực hiện vào tháng 12 tới, trong khi kế hoạch giới hạn giá khí đốt sẽ được thực hiện vào tháng 3 hoặc tháng 4/2023.
Nhà chức trách Đức sẽ đề xuất các biện pháp để giảm thiểu tác động của việc tăng giá năng lượng đối với người tiêu dùng công nghiệp lớn ở giai đoạn sau. Các biện pháp này dự kiến sẽ được chi trả bởi "lá chắn phòng thủ" trị giá 197 tỷ USD (200 tỷ euro) đã được lên kế hoạch để bảo vệ các công ty và người tiêu dùng trước tác động của giá năng lượng tăng cao.
Hồi cuối tháng 9 vừa qua, Chính phủ Đức cho biết sẽ từ bỏ các kế hoạch trước đó đối với việc đánh thuế khí đốt lên người tiêu dùng, thay vào đó sẽ đưa ra mức trần giá khí đốt để hạn chế hóa đơn năng lượng tăng cao.
Theo đề xuất của các chuyên gia, việc thanh toán một lần sẽ là một giải pháp cứu trợ trước mắt cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các hóa đơn khí đốt được trợ giá có thể không khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm. Điều này sẽ đi ngược lại với những gì mà Đức hướng đến.
Cơ quan quản lý năng lượng của Đức khẳng định rằng, tiết kiệm năng lượng và khí đốt "đáng kể" là cần thiết để tránh một mùa đông phải phân bổ năng lượng và tình trạng khẩn cấp về khí đốt.
Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang, Bundesnetzagentur, Klaus Müller, mới đây nói rằng, các hộ gia đình, ngành công nghiệp và doanh nghiệp cần phải cắt giảm ít nhất 20% lượng tiêu thụ.