Đức đăng cai Hội nghị quốc tế về Libya, nỗ lực duy trì lệnh ngừng bắn
Thông báo về lệnh ngừng bắn đưa ra giữa các cuộc đàm phán tại Nga với sự góp mặt của lãnh đạo cả 2 phe phái đối lập tại Libya.
Liên tiếp các nỗ lực ngoại giao đang được thực hiện nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Libya. Sau thông báo của Nga về một lệnh ngừng bắn vô thời hạn, Bộ Ngoại giao Đức hôm qua (14/1) cho biết, một hội nghị quốc tế về Libya sẽ được tổ chức vào cuối tuần này tại thủ đô Berlin, với kỳ vọng có thể thúc đẩy một tiến trình hòa bình cho quốc gia cửa ngõ châu Âu này.
Thông báo về lệnh ngừng bắn đưa ra giữa lúc các cuộc đàm phán tại Nga với sự góp mặt của lãnh đạo cả 2 phe phái đối lập tại Libya. Tuy nhiên, hai bên không trực tiếp gặp nhau. Và một trong số 2 lãnh đạo, tướng Khalifa Hartar đã từ chối ký bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn chính thức nào vào thời điểm hiện nay.
Theo Nga, nhân vật có ảnh hưởng nhất tại miền Đông Libya muốn có thêm 2 ngày để nghiên cứu thỏa thuận và thảo luận với các lực lượng đồng minh. Trong khi đó, người đứng đầu Chính phủ đoàn kết dân tộc được Liên hợp quốc công nhận, Thủ tướng Fayez al-Sarraj đã ký văn kiện hồi đầu tuần. Theo Ngoại trưởng Nga Lavrov, kết quả chính mà hội nghị hướng tới là đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc giữa các bên tham chiến nhằm duy trì và kéo dài vô thời hạn lệnh ngừng bắn.
“Như bạn đã biết, trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin tới Istanbul vào ngày 8/1 vừa qua, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra một sáng kiến về lệnh ngừng bắn ở Libya. Để phát triển sáng kiến này, các đại diện Libya đã gặp nhau tại Moscow, cùng với Bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực theo hướng này”, ông Lavrov nói.
Ngoài lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ cuối tuần trước, dự thảo thỏa thuận còn yêu cầu khôi phục cuộc sống bình thường tại Tripoli và các thành phố khác, đảm bảo khả năng tiếp cận cũng như an ninh cho các tổ chức cứu trợ nhân đạo.
Gần 10 năm sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Gaddafi, Libya vẫn trong tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc và bạo lực leo thang. Hiện nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, một được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và một ở miền Đông do tướng Khalifa Haftar dẫn đầu. Chính phủ ở Tripoli được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi chính quyền ở miền Đông được Ai Cập và Các Tiểu vương quốcArab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp. Phần còn lại của đất nước thì bị xâu xé giữa nhóm nổi dậy người Touareg, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay các nhóm phiến quân đến từ Cộng hòa Chad hay Sudan, các nhóm buôn lậu và buôn người. Với một đất nước bị phân mảng, song lại có vị trí địa chiến lược quan trọng và những nguồn tài nguyên dồi dào như Libya, thì một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng, cuộc chiến tại Libya đang bước vào giai đoạn nguy hiểm.
Để thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm đi tới một giải pháp cho cuộc xung đột, một hội nghị quốc tế về Libya sẽ được tổ chức vào cuối tuần này tại Berlin (Đức), dưới sự chủ trì của Liên Hợp Quốc. Cuộc gặp nằm trong khuôn khổ tiến trình do Liên Hợp Quốc thúc đẩy nhằm khôi phục một “Libya có chủ quyền”, cũng như hỗ trợ những nỗ lực hòa giải nội bộ Libya. Theo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, mục tiêu hàng đầu sẽ là ngăn cản bất kỳ thế lực nước ngoài nào can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Libya, đặc biệt là thông qua hỗ trợ quân sự.
“Từ vài tháng nay, chính phủ Đức đã bắt đầu một tiến trình, được gọi là tiến trình Berlin nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán tích cực với các nước ủng hộ một trong 2 bên tham chiến tại Libya và hối thúc họ tham gia và các nỗ lực nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn, cũng như thông qua một lệnh cấm vận vũ khí và cuối cùng là một thỏa thuận chính trị dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc”, ông Heiko Maas nói.
Nhiều nước đã xác nhận tham dự Hội nghị, trong đó có Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Trung Quốc, Italy và Pháp, song sự có mặt của các bên liên quan chính là Thủ tướng al-Sarraj và tướng Khalifa Hartar lại vẫn chưa chắc chắn./.