Đức điều tra các đường dây làm chứng nhận tiêm chủng giả
Sáng 13/1, hàng trăm cảnh sát nước này đã đột kích nhiều địa điểm tại các bang Bayern, Baden-Württemberg, Hessen và Nordrhein-Westfalen nhằm điều tra các đường dây làm và sử dụng chứng nhận tiêm chủng giả.
Người phát ngôn cảnh sát cho biết, các nhà điều tra đã thu giữ nhiều chứng nhận tiêm chủng, điện thoại thông minh và các tài liệu phục vụ điều tra. Cuộc truy quét liên quan tới khoảng 100 người, trong khi lực lượng chức năng cũng lấy mẫu xét nghiệm của các đối tượng liên quan nhằm làm rõ tình trạng tiêm chủng của những người này.
Cuộc điều tra xuất phát từ vụ một bác sĩ gia đình thuộc huyện Donau-Ries, bang Bayern, người được cho là đã cấp giấy chứng nhận tiêm chủng mà thực tế không qua tiêm chủng. Tất cả những trường hợp này bị điều tra về hành vi gian lận và sử dụng giấy chứng nhận giả cũng như khả năng vi phạm Đạo luật Phòng chống lây nhiễm.
Hồi cuối năm 2021, một cảnh sát 57 tuổi ở thành phố München đã trình thẻ tiêm chủng giả tại nơi làm việc, trong đó nói rằng người này đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine tại một trung tâm tiêm chủng ở München. Khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện chứng nhận này được làm giả. Viên cảnh sát hiện đang bị điều tra vì sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng giả và đối mặt với án tù tối đa một năm.
Tình trạng sổ tiêm chủng màu vàng bị làm giả được phát hiện tương đối nhiều ở Đức. Theo báo TAZ, giới chức Đức cho tới cuối năm ngoái đã tiến hành điều tra trên 11.000 vụ liên quan tới chứng nhận tiêm chủng giả. Sổ tiêm chủng không có tính năng bảo mật do vậy dễ bị làm giả và tội phạm đang lợi dụng điều này để thu lợi, rao bán nhiều với giá từ 50-350 euro/chứng nhận trên các nền tảng trực tuyến như Ebay, WhatsApp hay Telegram. Chứng nhận tiêm chủng kỹ thuật số thậm chí còn được rao bán đắt hơn so với sổ tiêm chủng màu vàng.
Theo một nguồn thạo tin, riêng Cục Hình sự bang Bayern từ đầu năm 2021 đã điều tra trên 3.000 vụ việc liên quan. Đặc biệt, số vụ việc đã tăng vọt trong vài tuần trở lại đây. Bộ Nội vụ liên bang Đức thừa nhận sổ tiêm chủng dễ bị làm giả vì chúng không có tính năng bảo mật, trong khi tính xác thực cũng khó có thể được kiểm tra đầy đủ khi tạo mã QR chứng nhận tiêm chủng kỹ thuật số.
Trong sổ tiêm chủng chỉ có dấu của cơ sở tiêm chủng và số lô vaccine tiêm chủng. Cảnh sát có thể kiểm tra số lô vaccine để xác thực thông qua nền tảng nội bộ Extrapol nhằm xem liệu số lô ghi trong sổ tiêm chủng có đúng là đã được cấp và tiêm chủng hay không. Các trường hợp làm giả và sử dụng chứng nhận giả đều sẽ bị truy tố và đối mặt với án phạt nghiêm khắc.