Đức đối phó khủng hoảng năng lượng
Chính phủ Đức có kế hoạch áp trần giá điện đối với các hộ gia đình và ngành công nghiệp để giảm bớt tác động do chi phí năng lượng tăng cao. Thông tin này được đưa ra theo một kế hoạch chung của Phủ Thủ tướng, Bộ Kinh tế và Bộ Tài chính liên bang Đức, vừa được truyền thông công bố.
Để có nguồn tài chính nhằm áp mức giá trần cũng như ổn định mạng lưới truyền tải điện, Chính phủ Đức đang cân nhắc cắt một số khoản lợi nhuận của các công ty điện lực. Kế hoạch này sẽ được tài trợ từ gói cứu trợ trị giá 200 tỷ euro mà Thủ tướng Đức công bố cuối tháng trước nhằm giúp các gia đình và công ty ứng phó giá năng lượng tăng cao. Mức giá trần sẽ dựa trên mức tiêu thụ điện hằng năm trước đây và được xây dựng tương tự như giá trần khí đốt.
Truyền thông Đức dẫn nội dung dự thảo kế hoạch cho biết, Berlin có thể cắt 90% lợi nhuận mà các công ty thu được ngoài chi phí sản xuất. Đối với giá điện giao ngay, thuế sẽ được áp dụng hồi tố tới 80% từ tháng 3/2022, trong khi giá giao kỳ hạn sẽ được áp dụng từ tháng 12 tới. Việc sản xuất điện từ than, khí đốt tự nhiên và methane sinh học với chi phí cao sẽ không thuộc đối tượng áp dụng quy định mới. Văn kiện trên hiện được sử dụng trong quá trình thương thảo với các hiệp hội liên quan. Dự kiến, một dự luật về vấn đề này sẽ được Chính phủ Đức thông qua ngày 18/11 và sau đó được Quốc hội liên bang biểu quyết ngày 2/12 trước khi đưa ra bỏ phiếu ở Hội đồng liên bang ngày 16/12 tới.
Trong khi đó, để làm dịu cuộc khủng hoảng năng lượng, sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz sử dụng quyền của người đứng đầu chính phủ chấm dứt cuộc tranh cãi giữa Bộ trưởng Kinh tế (đảng Xanh) và Bộ trưởng Tài chính (đảng Dân chủ Tự do) về việc kéo dài thời hạn vận hành của các nhà máy điện hạt nhân ở nước này, Chính phủ Đức đã nhanh chóng thông qua một dự luật liên quan.
Theo chỉ thị của Thủ tướng Scholz, Chính phủ Đức đã nhất trí kéo dài thời gian hoạt động của ba nhà máy điện hạt nhân còn lại ở nước này. Các bộ trưởng trong Chính phủ Đức đã biểu quyết nhất trí sửa đổi Đạo luật Năng lượng nguyên tử, theo đó các lò phản ứng điện hạt nhân Isar 2, Neckarwestheim 2 và Emsland có thể vận hành qua mùa đông, cho đến ngày 15/4/2023, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Thông báo của Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức cho biết, nguồn cung khí đốt ở Đức hiện ổn định, an ninh nguồn cung tiếp tục được bảo đảm. Khí đốt tiếp tục được đưa vào các kho tích trữ ở Đức và hiện mức tích trữ trung bình đạt 96,29%, trong đó mức lấp đầy cơ sở Rehden cũng đã đạt mức 86,16%. Việc sử dụng khí đốt trong tuần qua đã giảm so với mức sử dụng trung bình trong bốn năm qua.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/duc-doi-pho-khung-hoang-nang-luong-post720955.html