Đức đưa đảng cực hữu AfD vào danh sách tổ chức cực đoan

Động thái của Cơ quan Tình báo nội địa Đức cho phép cơ quan này giám sát chặt chẽ hơn chính đảng nhận được ủng hộ lớn thứ hai trong cuộc bầu cử liên bang hồi tháng 2 vừa qua này.

Ngày 2/5, Cơ quan Tình báo nội địa Đức (BfV) đã đưa đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) vào danh sách các tổ chức cực đoan, một động thái cho phép cơ quan này giám sát chặt chẽ hơn chính đảng nhận được ủng hộ lớn thứ hai trong cuộc bầu cử liên bang hồi tháng 2 vừa qua này.

Báo cáo dài 1.100 trang của các chuyên gia BfV cho rằng AfD là một tổ chức phân biệt chủng tộc và bài Hồi giáo dựa trên "khái niệm về con người định hình nên AfD" được xác định theo dân tộc và tổ tiên.

Việc đưa AfD vào danh sách các tổ chức cực đoan cho phép các cơ quan chức năng dễ dàng hơn trong việc sử dụng các phương pháp mật để giám sát chính đảng này. Ngoài ra, việc bị gắn mác phân biệt chủng tộc cũng hạn chế việc thu hút thành viên của AfD.

Theo Bộ Nội vụ Đức, quyết định này cũng có thể khiến nguồn tài trợ công của AfD gặp rủi ro, trong khi các công chức là thành viên AfD có thể bị sa thải, tùy thuộc vào vai trò của họ trong cơ quan chính quyền.

Trên thực tế, một số bộ phận của đảng AfD như tổ chức thanh niên đã bị xếp vào diện cực đoan từ trước, trong khi toàn bộ đảng đã bị xếp vào diện tình nghi cực đoan từ năm 2021.

Trong một phản ứng đầu tiên, AfD đã lên án quyết định của BfV là mang động cơ chính trị nhằm làm mất uy tín và hình sự hóa đảng này.

Được thành lập để phản đối các gói cứu trợ Khu vực đồng tiền chung (Eurozone) vào năm 2013, đảng AfD đã chuyển thành một đảng chống di cư trong làn sóng người tị nạn lớn vào Đức vào năm 2015.

Trong cuộc bầu cử tháng 2 vừa qua, AfD đã giành được 20,8% số phiếu bầu, chỉ đứng sau Liên minh CDU/CSU với 28,5% số phiếu. Với vị thế này, về lý thuyết, đảng này có quyền chủ trì một số ủy ban quốc hội quan trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/duc-dua-dang-cuc-huu-afd-vao-danh-sach-to-chuc-cuc-doan-post1036327.vnp