1. Lăng Gia Long hoành tráng. Nằm ở địa phận xã Hương Thọ, thành phố Huế, lăng Gia Long hay Thiên Thọ Lăng là lăng mộ của Nguyễn Thế Tổ Gia Long hoàng đế (1762-1820), vị vua sáng lập triều Nguyễn.
Sự hoành tráng của lăng Gia Long nằm ở chỗ, toàn bộ khu lăng là một quần sơn với 42 đồi, núi lớn nhỏ, trong đó có Đại Thiên Thọ là ngọn núi lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và là tên gọi của cả quần sơn. Đây chính là khu lăng mộ lớn nhất Cố đô Huế.
2. Lăng Minh Mạng thâm nghiêm. Nằm trên núi Cẩm Khê ở xã Hương Thọ, thành phố Huế, lăng Minh Mạng còn được gọi là Hiếu Lăng, là nơi an nghỉ của Nguyễn Thánh Tổ Minh Mạng (1791-1841), vị vua thứ hai của triều Nguyễn.
Sự thâm nghiêm của lăng Minh Mạng thể hiện qua bố cục kiến trúc đối xứng hoàn hảo với các công trình nằm dọc theo trục đường thần đạo. Điểm nhấn kiến trúc của khu lăng là tòa Minh Lâu nằm uy nghi trên đồi Tam Tài Sơn, phía sau ba cây cầu bắc qua hồ Trừng Minh.
3. Lăng Thiệu Trị thanh thoát. Nằm ở địa phận xã Thủy Bằng, thành phố Huế, lăng Thiệu Trị còn được gọi là Xương Lăng, là nơi an nghỉ của Nguyễn Hiến Tổ Thiệu Trị (1807-1847), vị vua thứ ba của triều Nguyễn.
Sự thanh thoát của lăng Thiệu Trị nằm ở mảng xanh của thảm thực vật. Thay vì có tường gạch hay núi non vây bọc, khu lăng mộ này lại được những cánh đồng lúa mượt mà, vườn cây xanh rờn bao quanh, không cầu kỳ, phức tạp, kỳ vĩ mà mộc mạc thân quen vô cùng.
4. Lăng Tự Đức thơ mộng. Nằm ở địa phận phường Thủy Xuân, thành phố Huế, lăng Tự Đức còn được gọi là Khiêm Lăng, là nơi an nghỉ của Nguyễn Dực Tông Tự Đức (1829-1883), vị vua thứ tư của triều Nguyễn.
Sự thơ mộng của lăng Tự Đức thể hiện rõ nét qua khung cảnh diễm lệ và có phần u buồn của hồ Lưu Khiêm, hồ nước đẹp nhất nhì Cố đô Huế. Giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm xanh mát. Bờ hồ có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ, hai nhà thủy tạ để vua ngồi ngắm hoa, làm thơ, đọc sách…
5. Lăng Dục Đức đơn giản. Nằm ở phường An Cựu, thành phố Huế, lăng Dục Đức còn được gọi là An Lăng, là nơi an nghỉ của Nguyễn Cung Tông Dục Đức (1852-1884), vị vua thứ tư của triều Nguyễn. Sau này, vua Thành Thái (1879-1954) và vua Duy Tân (1900-1945) cũng được an táng tại đây.
Sự đơn giản của lăng Dục Đức gắn với bối cảnh rối ren của triều Nguyễn đương thời, khi vua Dục Đức chỉ ở ngôi được ba ngày thì bị phế truất. Việc lăng mộ của vị phế đế được xây dựng với quy cách khiêm nhường hơn nhiều so với các vị vua tiền nhiệm là điều dễ hiểu.
6. Lăng Đồng Khánh xinh xắn. Nằm ở địa phận phường Thủy Xuân, thành phố Huế, lăng Đồng Khánh còn được gọi là Tư Lăng, là nơi an nghỉ của Nguyễn Cảnh Tông Đồng Khánh (1829-1883), vị vua thứ chín của triều Nguyễn.
Sự xinh xắn của lăng Đồng Khánh được cô đọng ở điện Ngưng Hy, công trình kiến trúc nổi bật về mặt mỹ thuật ở khu lăng này. Mặt bằng thực tế của điện Ngưng Hy rất rộng, nhưng tòa điện trông vẫn gọn gàng, trang nhã, nhờ cách trang trí tinh tế ở nội thất lẫn ngoại thất.
7. Lăng Khải Định tinh xảo. Nằm ở địa phận xã Thủy Bằng, thành phố Huế, lăng Khải Định còn được gọi là Ứng Lăng, là nơi an nghỉ của Nguyễn Hoằng Tông Khải Định (1885-1925), vị vua thứ mười hai của triều Nguyễn.
Sự tinh xảo là điều rất dễ nhận thấy ở lăng Khải Định. Tất cả các công trình của khu lăng mộ này được xây dựng rất cầu kỳ, đặc biệt là cung Thiên Định, nơi đặt mộ phần nhà vua. Toàn bộ nội thất cung Thiên Định được trang trí công phu bằng những mảnh sành sứ, thủy tinh rực rỡ.
Mời quý độc giả xem video: Huế - Bóng Dáng Kinh Đô Xưa | VTV Travel.
Quốc Lê