Đức lo ngại làn sóng Covid thứ tư khi tỷ lệ tiêm chủng vẫn thấp
Với một liên minh cầm quyền mới chưa được thành lập và mức độ từ chối tiêm phòng cao, các chuyên gia lo ngại Đức đang không chuẩn bị đủ kỹ càng cho làn sóng Covid mới.
Đức đang gia tăng mối lo ngại về đợt Covid-19 thứ tư đang phát triển nhanh chóng và khó dự đoán vào mùa thu này, khi chính phủ đang trong quá trình chuyển đổi và tỷ lệ tiêm chủng giảm thấp hơn so với các nước Tây Âu còn lại.
Ảnh: DPA
Bài liên quan
Lạm phát ở Đức cao nhất 28 năm
Quân Đức đánh chìm tàu Mỹ trước khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng
'Bộ tứ châu Phi' - vai trò của Đức, Pháp và tín hiệu của Trung Quốc
Thủ tướng Đức Merkel lo ngại chủ nghĩa dân tộc đe dọa EU
Dân số ngày càng di động, cơ sở hạ tầng xét nghiệm bị cắt giảm và giảm nhân sự tại các bệnh viện đã khiến một số chuyên gia cảnh báo rằng Đức có thể gặp nguy hiểm.
Ông Hendrick Streeck, giám đốc viện nghiên cứu virus học tại Đại học Bonn cho biết: “Tôi cảm thấy lo ngại. Năng lực tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt bị giảm sút khi một làn sóng mới có thể trỗi dậy".
Cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức đã cảnh báo về “khả năng ngày càng tăng của những người tiếp xúc lây nhiễm” sau khi báo cáo tỷ lệ mắc bệnh là 145 trường hợp nhiễm mới trên 100.000 cư dân, mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 5 năm nay.
Nhiều người ở Đức bị nhiễm virus hơn so với cùng thời điểm vào năm 2020. Theo dữ liệu riêng của chính phủ liên bang, 205.700 người đã nhiễm bệnh tính tới ngày 29/10/2021 so với 131.541 người cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ tử vong trung bình trong bảy ngày liên quan đến Covid-19 ở Đức cũng cao hơn một năm trước, khi đạt 75 ca so với mức 44 vào năm ngoái.
Số lượng bệnh nhân Covid-19 trong các phòng chăm sóc đặc biệt gần ngang bằng với mức tháng 10/2020, với 1.868 bệnh nhân vào thứ Sáu. Mùa thu năm ngoái, các ca bệnh vẫn tiếp tục gia tăng bất chấp các hạn chế đóng cửa.
Ông Gerald Gass, Chủ tịch Liên đoàn Bệnh viện Đức cho biết: “Chúng ta đang ở giai đoạn quan trọng của đại dịch. Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, chúng ta sẽ quay trở lại mức 3.000 bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt trong vòng hai tuần".
Trong khi mức độ tuân thủ các hạn chế y tế như đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng ở mức cao, Đức và nước láng giềng là Áo lại đang tụt hậu so với các quốc gia Tây Âu khác về tỷ lệ tiêm chủng. 66% dân số Đức đã được tiêm chủng đầy đủ, so với 68% ở Pháp, 71% ở Ý và 80% ở Tây Ban Nha.
Không giống như một số quốc gia Nam Âu, Đức đã từ chối việc tiêm chủng bắt buộc đối với các lĩnh vực công nghiệp cụ thể.
Một cuộc khảo sát do Bộ Y tế ủy quyền cho thấy tỷ lệ tiêm chủng không có khả năng cải thiện trong tương lai gần: 65% những người cho đến nay đã từ chối tiêm cho biết họ sẽ chắc chắn không tiêm vắc xin trong hai tháng tới, trong khi 23% tiếp theo nói rằng họ “có thể" sẽ không tiêm.
Bất chấp những con số gia tăng, ba bên có khả năng thành lập chính phủ tiếp theo của Đức đã đồng ý về nguyên tắc để chấm dứt "tình hình dịch bệnh" vào cuối tháng 11.
Trong khi các bên cho biết họ có kế hoạch tiếp tục thực thi việc bắt buộc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và hạn chế tiếp cận các địa điểm văn hóa cho những người chưa tiêm đủ 2 mũi, chính phủ đã loại bỏ ý định về một cuộc đóng cửa toàn quốc khác.