Đức mở rộng danh sách cảnh báo đi lại ở châu Âu - Maroc gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế
Chính phủ Đức tối 9/9 thông báo mở rộng danh sách cảnh báo đi lại tới một số thành phố du lịch nổi tiếng của châu Âu trong bối cảnh số ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gia tăng ở các địa điểm này.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, danh sách cảnh báo đi lại tới các "khu vực có nguy cơ cao" đối với công dân Đức được mở rộng, bao gồm thủ đô Praha của Séc. Thành phố này ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong 24 giờ qua, với 1.164 ca. Theo đó, người dân Đức được khuyến cáo không nên tới Praha, trong khi các trường hợp trở về phải thực hiện cách ly, xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2.
Ngoài thủ đô của Séc, Đức cũng mở rộng cảnh báo du lịch tới các thành phố Geneva và Vaud của Thụy Sĩ; các vùng Pozega-Slavonia và Dubrovnik-Neretva của Croatia; đảo Corsica và các vùng Ile-de-France, Provence-Alpes-Cote-d'Azur, Auvergne-Rhone-Alps, Occitanie và Nouvelle-Aquitaine của Pháp; các khu vực Dubrovnik-Neretva và Požega-Slavonia ở Croatia.
Số liệu của các cơ quan y tế Đức ngày 9/9 cho biết trong 24 giờ qua Đức ghi nhận thêm 1.400 ca mắc, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 254.432 ca. Đến nay đã có 228.000 ca khỏi bệnh, trong khi 9.300 ca tử vong. Theo Viện Robert Koch (RKI), chỉ số lây nhiễm đã giảm từ 1,10 xuống 0,88.
Cùng ngày 9/9, Chính phủ Maroc đã quyết định gia hạn thêm 1 tháng tình trạng khẩn cấp y tế, đến ngày 10/10 tới, trên toàn lãnh thổ quốc gia để đối phó với đại dịch COVID-19, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với sự bùng phát mạnh về số ca nhiễm mới hằng ngày.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, Thủ tướng Maroc Saad-Eddine El Othmani cho biết lệnh kéo dài tình trạng khẩn cấp - được ban hành từ giữa tháng 3 vừa qua - sẽ cho phép áp dụng các biện pháp đặc biệt trong các trường hợp khẩn cấp, như đóng cửa thủ đô kinh tế Casablanca gần đây (vào tối 6/9), giới nghiêm ban đêm, kiểm soát nghiêm ngặt việc đi lại và đóng cửa tất cả các trường học trước khi khai giảng năm học.
Sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế và mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, kể từ đầu tháng 8, Maroc đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 2, với trên 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Đặc biệt, trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới ngày càng tăng, đỉnh điểm trên 2.200 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến chiều 9/9, Maroc ghi nhận thêm 2.157 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại đây lên 77.878 ca nhiễm và 1.453 ca tử vong. Hiện Maroc xếp thứ 3 trong số các quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu lục này, sau Nam Phi (640.441 ca nhiễm và 15.086 ca tử vong) và Ai Cập (100.228 ca nhiễm và 5.560 ca tử vong). Tính theo vùng, khu vực Nam châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp theo là Bắc Phi và Tây Phi.