Đức muốn thu hút 400.000 công nhân lành nghề từ nước ngoài mỗi năm
Chính phủ liên minh mới của Đức muốn thu hút 400.000 lao động có trình độ từ nước ngoài mỗi năm để giải quyết tình trạng mất cân bằng nhân khẩu học và tình trạng thiếu lao động.
Christian Duerr, lãnh đạo quốc hội của đảng Dân chủ Tự do (FDP), nói: “Sự thiếu hụt lao động lành nghề trở nên nghiêm trọng đến mức nó đang làm chậm lại đáng kể sự phát triển nền kinh tế của chúng tôi. Chúng tôi chỉ có thể kiểm soát được phần nào vấn đề lực lượng lao động đang già đi với chính sách nhập cư mở và chúng tôi phải đạt được mốc 400.000 công nhân lành nghề từ nước ngoài càng nhanh càng tốt".
Các đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz, FDP theo chủ nghĩa tự do của Duerr và nhà bảo vệ môi trường Greens đã đồng ý trong thỏa thuận liên minh của họ về các biện pháp như hệ thống tính điểm cho các chuyên gia từ các nước ngoài Liên minh châu Âu và nâng mức lương tối thiểu quốc gia lên 12 Euro (13,60 USD) mỗi giờ để làm việc tại Đức hấp dẫn hơn.
Viện Kinh tế Đức ước tính rằng, lực lượng lao động của nước này sẽ giảm hơn 300.000 người trong năm nay do có số lượng lao động lớn tuổi nghỉ hưu nhiều hơn những người trẻ đủ tuổi tham gia thị trường lao động.
Khoảng cách này dự kiến sẽ tăng lên hơn 650.000 người vào năm 2029, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lũy kế số người trong độ tuổi lao động vào năm 2030 là khoảng 5 triệu người. Năm ngoái, số lượng người Đức có việc làm đã tăng lên gần 45 triệu người bất chấp đại dịch Covid-19.
Sau nhiều thập kỷ có tỷ lệ sinh thấp và di cư không đồng đều, lực lượng lao động ngày càng thu hẹp cũng đặt ra một quả bom hẹn giờ cho hệ thống lương hưu của Đức, trong đó ít người lao động hơn phải gánh nhiệm vụ chi trả lương hưu cho số lượng ngày càng tăng những người nghỉ hưu đang có tuổi thọ ngày càng cao.