Đức nêu rõ quan điểm nếu Phần Lan và Thụy Điển quyết định gia nhập NATO
Ngày 3/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, không ai có thể đảm bảo Nga sẽ không tấn công các nước khác, đồng thời nêu rõ nước này sẽ ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển, nếu họ quyết định gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong tuyên bố tại cuộc họp nội các Đức với sự tham dự của những người đồng cấp Sanna Marin của Phần Lan và Magdalena Andersson của Thụy Điển, Thủ tướng Scholz tuyên bố nếu Phần Lan và Thụy Điển quyết định gia nhập NATO thì "họ có thể tin tưởng vào sự ủng hộ của chúng tôi".
Trước đó, trong một thông tin liên quan, Phát biểu tại cuộc hội thảo ngày 2/5, tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế, Celeste Wallander cho biết, chính phủ Mỹ hoàn toàn ủng hộ việc Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập NATO, nếu có, vì việc 2 nước tham gia sẽ củng cố liên minh cũng như "làm phức tạp thêm kế hoạch quân sự của Nga”.
Bà Wallander nói: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ lựa chọn chủ quyền của Phần Lan và Thụy Điển. Nếu chính phủ và người dân của họ quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ điều này và sẽ làm việc để họ gia nhập liên minh.
Thụy Điển và Phần Lan sẽ mang lại sức mạnh to lớn cho liên minh, cả về quân sự và chính trị. … Về mặt quân sự… việc họ gia nhập sẽ làm phức tạp thêm hoạt định quân sự của Nga, … cũng như làm phức tạp (việc thực hiện) tham vọng quân sự hóa … Bắc Cực của Nga.
Do đó, sẽ có những cơ hội thực sự để tăng cường khả năng răn đe đáng tin cậy trong một số khía cạnh của an ninh châu Âu”.
Báo Iltalehti của Phần Lan tối 1/5 dẫn các nguồn giấu tên của chính phủ cho hay, nước này sẽ quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO vào ngày 12/5 tới. Trước đó, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto ngày 30/4 cho rằng, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã thúc đẩy Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO và tư cách thành viên của hai nước này trong liên minh sẽ giúp Bắc Âu ổn định và mạnh mẽ hơn.
Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson ngày 28/4 tuyên bố, chính phủ nước này không có kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý nếu Quốc hội quyết định xúc tiến nộp đơn gia nhập NATO. Quốc hội Thụy Điển đang xem xét lại chính sách an ninh và dự kiến đưa ra một báo cáo vào giữa tháng 5. Ngoài ra, đảng Dân chủ xã hội của bà Andersson cũng đang xem xét liệu có nên từ bỏ lập trường phản đối việc gia nhập NATO hay không.
(theo Reuters/Sputniknews)