Đức nhấn mạnh yếu tố đoàn kết, hợp tác quốc tế trong xử lý khủng hoảng
Đức đã nhấn mạnh yếu tố đoàn kết và hợp tác quốc tế để giải quyết các cuộc xung đột cũng như vượt qua đại dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong bài phát biểu trực tuyến gửi kỳ họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 75 ngày 29/9, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nêu rõ câu trả lời chính xác cho các cuộc khủng hoảng trên thế giới hiện nay không gì khác ngoài việc thế giới phải “đoàn kết hơn”, “hợp tác hơn” và “trở nên công bằng hơn”.
Ông nêu rõ dịch COVID-19, vốn gieo mầm bệnh cho trên 30 triệu người và cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người, mới chỉ bắt đầu đầu "gõ cửa" thế giới và chính sự thiếu minh bạch, thông tin sai lệch hay các thuyết âm mưu là những nhân tố nguy hiểm trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Theo Ngoại trưởng Maas, cách thoát khỏi khủng hoảng là hợp tác và hành động lý trí dựa trên nguyên tắc khoa học. Ông đồng thời cho rằng chỉ khi thế giới kiểm soát được dịch bệnh mới có thể vượt qua đại dịch COVID-19 trong dài hạn.
Ngoại trưởng Đức cũng nhấn mạnh việc phát triển vaccine và dược phẩm điều trị COVID-19 không phải là một cuộc chạy đua. Với vai trò là nhà xuất khẩu dược phẩm lớn nhất thế giới (kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 50,2 tỷ euro, chiếm 14,8% thị phần thế giới), Đức cam kết ủng hộ việc phân bổ vaccine và dược phẩm chống COVID-19 một cách công bằng trên toàn cầu. Trong năm nay, Đức đã dành trên 3 tỷ euro cho quản lý khủng hoảng toàn cầu, tập trung chủ yếu cho LHQ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Quan chức ngoại giao hàng đầu của Đức cũng nhấn mạnh yếu tố hợp tác quốc tế trong giải quyết khủng hoảng. Trong vấn đề Ukraine, hợp tác của nhóm Bộ tứ (gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine) đã góp phần mang lại lệnh ngừng bắn kéo dài nhất kể từ đầu cuộc xung đột, mở ra hy vọng về một giải pháp bền vững cho vấn đề Đông Ukaine. Tại Libya, sự hợp tác quốc tế với LHQ là nòng cốt đã thúc đẩy các nghị quyết của Hội nghị Berlin hồi tháng 1 vừa qua.
Theo Ngoại trưởng Maas, tuy sự liên lạc, hợp tác giữa lực lượng chính phủ ở Tripoli và lực lượng miền Đông đã bắt đầu, song các thế lực bên ngoài cũng cần tiếp tục có những nhượng bộ để có thể đạt được một giải pháp cuối cùng, trong đó phải ngừng gửi vũ khí và lính đánh thuê tới quốc gia Bắc Phi này.
Nhà ngoại giao Đức cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực nhằm thiết lập nền hòa bình ở Syria, trong đó cần hướng tới một lệnh ngừng bắn trên cả nước và một quy trình hiến pháp toàn diện như Nghị quyết 2254 của LHQ. Liên quan vấn đề Iran, Ngoại trưởng Maas khẳng định cam kết của châu Âu duy trì thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký giữa Tehran và Nhóm P5+1 năm 2015, đồng thời kêu gọi Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân lịch sử này.