Đức nỗ lực vượt qua khó khăn
Dịch Covid-19 bùng phát đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới, đặt ra thách thức với nhiều quốc gia. Trong bối cảnh này, Đức đã thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá hơn 750 tỷ euro nhằm ứng phó những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Viện nghiên cứu kinh tế Ifo của Ðức ước tính, dịch Covid-19 bùng phát gây thiệt hại hàng trăm tỷ euro với nền kinh tế nước này. Theo Ifo, Ðức sẽ mất hơn 300 tỷ euro nếu đóng cửa một phần nền kinh tế trong ba tháng. Chủ tịch Ifo
C.Fuest cảnh báo, mức độ thiệt hại do dịch Covid-19 sẽ cao hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng kinh tế hay thiên tai trong những thập niên gần đây. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động Ðức.
Nhằm giảm những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 với nền kinh tế, Hạ viện và Thượng viện Ðức đã thông qua gói cứu trợ trị giá hàng trăm tỷ euro của Chính phủ nước này. Cơ quan lập pháp Ðức cũng sẽ điều chỉnh quy định về mức trần nợ công, cho phép Chính phủ của Thủ tướng A.Merkel đưa ra các chính sách phục hồi kinh tế. Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã thông qua kế hoạch cứu trợ kinh tế của Ðức. Trong thời điểm tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Liên hiệp châu Âu (EU) đã đình chỉ các quy tắc nghiêm ngặt về quản lý thâm hụt công của khối, cho phép các nước thành viên tự do chi tiêu nhằm hỗ trợ hệ thống y tế, an sinh xã hội và phục hồi kinh tế.
Gói cứu trợ kinh tế mới được thông qua của Ðức bao gồm khoản ngân sách bổ sung trị giá 156 tỷ euro và quỹ bình ổn trị giá 600 tỷ euro. Khoản ngân sách bổ sung này đồng nghĩa Chính phủ Ðức phải gánh một khoản nợ công mới, lần đầu kể từ năm 2013. Ngân sách bổ sung nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn; hỗ trợ hệ thống y tế, cung cấp các thiết bị bảo hộ, phát triển vaccine và các phương pháp điều trị Covid-19. Trong đó, 55 tỷ euro sẽ được sử dụng trong trường hợp cần thiết nếu dịch bệnh bùng phát mạnh. Bên cạnh khoản ngân sách bổ sung, Chính phủ Ðức sẽ thành lập một quỹ bình ổn kinh tế thông qua các khoản vay hoặc đầu tư trực tiếp vào các công ty chịu nhiều thiệt hại do dịch Covid-19. Ngân sách bổ sung, quỹ bình ổn và các biện pháp đưa ra trước đó của Ðức ước tính lên tới 1,1 nghìn tỷ euro.
Trong bối cảnh Berlin lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế do dịch Covid-19, Bộ trưởng Tài chính Ðức O.Scholz cho biết, các gói cứu trợ được đưa ra dựa trên dự báo rằng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Ðức sẽ giảm khoảng 5% trong năm nay. Do đó, Chính phủ Ðức thực hiện các biện pháp nhằm sớm phục hồi kinh tế sau khi các doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Ðức P.Altmaier cho rằng, gói cứu trợ này chỉ là bước đầu nhằm ứng phó dịch Covid-19. Bộ trưởng P.Altmaier tuyên bố, Berlin áp dụng các chính sách "thắt lưng buộc bụng" sau khi cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 qua đi và cam kết thanh toán các khoản nợ công từ năm 2023. Theo ông P.Altmaier, kinh tế Ðức có thể phục hồi nếu nền kinh tế của Khu vực đồng euro (Eurozone) vượt qua được cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19.
Đức đã đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt nhằm phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Các chuyên gia nhận định, gói cứu trợ kinh tế được Béc-lin đưa ra là rất cần thiết, hỗ trợ nền kinh tế hàng đầu châu Âu vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.