Đức phản đối Mỹ lên kế hoạch trừng phạt dự án Nord Stream 2
Đức không hài lòng trước việc Mỹ có kế hoạch mở rộng trừng phạt nhằm vào dự án tuyến đường ống khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2).
Chính phủ Đức ngày 14/6 cho biết đã chuyển thông điệp “không hài lòng” trước việc Mỹ có kế hoạch trừng phạt dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn Nord Stream 2 nối Nga với Đức. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ “cấm vận mới này sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng đối với an ninh năng lượng và chủ quyền của châu Âu”.
Phản ứng trên được đưa ra sau khi một nhóm Thượng nghị sĩ lưỡng đảng ở Quốc hội Mỹ giới thiệu một đạo luật mới về tăng cường cấm vận đối với Nord Stream 2, cho rằng tuyến đường ống này sẽ khiến Nga tăng ảnh hưởng kinh tế, chính trị tại Đức và nhiều quốc gia châu Âu.
Dự luật mới này được xây dựng dựa trên Đạo luật Bảo vệ năng lượng cho châu Âu (PEESA) được Tổng thống Trump ký ban hành năm 2019, có chỉnh sửa, bổ sung nhiều điều khoản trừng phạt mới nhằm vào các công ty tham gia xây dựng, vận hành, bảo hiểm, bảo trì, cung ứng kĩ thuật, nâng cấp đường ống.
Trước đó, lo ngại bị trừng phạt, tập đoàn Allseas – một liên danh giữa Hà Lan-Thụy Sĩ, đã dừng công việc thi công đường ống ngầm từ tháng 12/2019, khiến dự án Nord Stream 2 bị chậm tiến độ. Hiện việc rải ống ngầm được hai tàu của tập đoàn Gazprom (Nga) đảm nhận, với khoảng 160km đường ống còn lại. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, dự án có thể hoàn thành vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.
Ý định của Mỹ và phản ứng của Đức
Thượng nghị sĩ Ted Cruz, người bảo trợ, cổ vũ mạnh mẽ nhất cho dự luật mới này, cho biết Mỹ muốn khẳng định rõ ràng rằng bất kì thực thể nào liên quan đến dự án này sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt tức thời, nghiêm khắc.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Jeanne Shaheen nhìn nhận Nord Stream 2 đe dọa Ukraine và độc lập năng lượng của châu Âu, đồng thời tạo cho Nga cơ hội để khai thác các đồng minh của Mỹ.
Theo thông tin sơ bộ mà phía Đức có được, đòn cấm vận mới sẽ được áp dụng với tất cả các công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm, công nghệ, dịch vụ hiện đại hóa tuyến đường ống, kiểm tra, giám sát vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, cấp phép hoạt động, dịch vụ cảng đối với Nord Stream 2.
Nord Stream 2 là dự án được nhận được sự ủng hộ từ giới chính trị gia cùng nhiều công ty năng lượng của Đức - nền kinh tế lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU) và đang tìm cách chấm dứt sử dụng năng lượng than đá, hạt nhân.
Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ/Đức) ngày 12/6 dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết, Đức không chấp nhận việc Mỹ leo thang đe dọa trừng phạt, cho rằng bước đi của Mỹ “mâu thuẫn với luật pháp quốc tế”.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Năng lượng trong Quốc hội Đức Klaus Ernst cho rằng Đức và EU cần có phản ứng thống nhất trước việc Mỹ có kế hoạch mở rộng trừng phạt nhằm vào Nord Stream 2.
Theo ông Ernst, không thể xem cấm vận của Mỹ là hành động của tình hữu nghị, mà phải coi đó là bước can thiệp vào chủ quyền của Đức và EU. Nếu Mỹ không giảm sức ép đối với dự án này, Mỹ và EU cần xem xét các biện pháp nghiêm túc để bảo vệ chính mình, mà một trong số đó có thể là việc áp thuế trừng phạt đối với mặt hàng khí đốt từ Mỹ.