Đức Phổ mãi nhớ Đặng Thùy Trâm

Có dịp tới thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, nhiều người thường tìm đến bệnh xá mang tên liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ nữ bác sĩ kiên cường đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 2006, Nhà nước ta đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Với kiến trúc như một bàn tay chở che, bệnh xá nay trở thành một địa chỉ đỏ, mang nhiều kỷ niệm của chị Thùy (tên thân thương mà người dân thường gọi chị) luôn khiến du khách có cảm giác thương nhớ, ấm áp và an bình.

Người thân của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và các bác sĩ của bệnh xá.

Người thân của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và các bác sĩ của bệnh xá.

Quê hương thứ hai của chị Thùy

Nằm ngay trên Quốc lộ 1, cách thành phố Quảng Ngãi chừng 50 km về phía đông nam, gần biển, Bệnh xá Đặng Thùy Trâm được xây dựng tại xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ. Không chỉ là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, nơi lưu giữ ký ức về chị Thùy mà đây còn là nơi để bao thế hệ sau khi đến thăm có thể hiểu hơn về lòng yêu nước, đức hy sinh và tình thương con người của người nữ bác sĩ trẻ tuổi ấy. Với hai khu hai tầng nối liền với nhau, đi từ ngoài vào trong khuôn viên bệnh xá, khu nhà bên phải là khu khám bệnh, chữa bệnh, bên trái là nhà lưu niệm trưng bày các kỷ vật của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Ở phía trước khu nhà lưu niệm có bức tượng bằng đá, tạc hình dáng chị Thùy đội nón, vai đeo túi cứu thương.

Đức Phổ, mảnh đất ven biển của Quảng Ngãi, mang trong mình những dấu ấn khó phai mờ của lịch sử; những chiến sĩ, những bác sĩ như liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã ngã xuống nơi đây, để lại tấm gương về lòng yêu nước, về sự hy sinh quên mình vì Tổ quốc.

Cuối tháng 3 vừa qua, ba người em gái của chị Thùy: Phương Trâm, Hiền Trâm, Kim Trâm và người chồng của bà Hiền Trâm đã trở lại Đức Phổ nhân lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Đức Phổ (23/3/1975-23/3/2025) và 5 năm Ngày thành lập thị xã. Mặc dù mấy năm rồi họ mới trở lại nhưng nhiều người ở đây vẫn nhận ra đó là gia đình, người thân của chị Thùy. Cũng phải thôi, bởi dù năm tháng có trôi qua, cái tên Đặng Thùy Trâm đã trở thành một phần ký ức, đã gắn bó như một phần máu thịt của mảnh đất này. Một cuộc trở về rất đỗi thân thương, bởi đây là nơi đã giữ lại mãi mãi tuổi 28 đẹp đẽ của người chị gái trong gia đình; mảnh đất mà liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm từng sống, chiến đấu và hy sinh.

Cách đây tròn 55 năm, trên mảnh đất này, trong một đêm mưa bom lửa đạn, Bệnh xá Đức Phổ bị quân Mỹ tập kích. Người nữ bác sĩ trẻ đã ngã xuống, mang theo cả những ước mơ còn dang dở và tình yêu thương vô hạn dành cho đồng đội, cho nhân dân. Mãi đến năm 2005, nhờ Fredric Whitehurst - người lính Mỹ năm xưa, trao lại cuốn nhật ký, câu chuyện về chị Thùy mới được biết đến, lay động biết bao trái tim của những người yêu hòa bình trên khắp thế giới.

Ba người em gái bên bức tượng của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Ba người em gái bên bức tượng của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Bà Đặng Kim Trâm, em gái út của bác sĩ Thùy bùi ngùi, mỗi lần trở lại Đức Phổ, cảm xúc lại dâng trào. “Chị Thùy nằm lại đây, như một phần máu thịt của mảnh đất này rồi. Chúng tôi, những người thân của chị, đi tới đâu cũng được người dân đón tiếp như người nhà. Đó là tình cảm quý giá mà chúng tôi luôn trân trọng và biết ơn”.

Bà Đặng Phương Trâm, người em gái thứ hai hay nhận được thư của chị Thùy nhất, bộc bạch: Kỷ niệm sâu sắc nhất là lần đầu tiên mẹ của họ là bà Doãn Ngọc Trâm trở lại đây cùng ông Whitehurst, người đã lưu giữ và trao trả cuốn nhật ký của chị Thùy. “Ngày ấy, mẹ tôi già rồi mà vẫn quyết leo lên tận nơi chị hy sinh, đi qua những con dốc, những con đường núi gồ ghề. Mẹ bảo: Phải đến tận nơi con mình đã ngã xuống, để lòng mẹ được thanh thản”. Còn bà Đặng Hiền Trâm, người em gái thứ ba trong đình chị Thùy trầm ngâm chia sẻ, lần đầu tiên gia đình có mấy chục người đến Đức Phổ, ai nấy đều hăng hái, leo núi, băng qua những cánh đồng, bước đi băng băng. Vậy mà giờ đây, chỉ còn bốn người, trong đó người ít tuổi nhất cũng đã 70.

Sống mãi trong lòng người dân

“Khi chiến tranh kết thúc, chúng ta sẽ không chỉ có hòa bình, mà chúng ta còn có quyền yêu nhau. Yêu đất nước này, yêu những gì chúng ta đã cống hiến. Một tình yêu không chỉ là lời nói, mà là hành động, là sự hy sinh, là những giọt mồ hôi và máu đổ xuống vì lý tưởng cao đẹp”.

(Trích Nhật ký Đặng Thùy Trâm)

Tại Quảng trường mùng 8 tháng 10, những người thân của chị Thùy đều có mặt trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Đức Phổ. Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Đức Phổ - Vang mãi bản hùng ca” thật hoành tráng. Gần 2.000 người tham dự, sân khấu đẹp, hiện đại, tái hiện những gian nan của Đức Phổ trong khói lửa chiến tranh và phát triển mạnh mẽ sau ngày giải phóng. Và những người em gái của bác sĩ Đặng Thùy Trâm đều bồi hồi, xúc động khi các bài phát biểu đều nhắc đến tên chị Thùy, để thấy rằng, 55 năm qua, chị vẫn sống mãi trong lòng người dân nơi đây, như cái cách chị đã dành cho Đức Phổ và cho đất nước trong từng chương nhật ký của mình: “Khi chiến tranh kết thúc, chúng ta sẽ không chỉ có hòa bình, mà chúng ta còn có quyền yêu nhau. Yêu đất nước này, yêu những gì chúng ta đã cống hiến. Một tình yêu không chỉ là lời nói, mà là hành động, là sự hy sinh, là những giọt mồ hôi và máu đổ xuống vì lý tưởng cao đẹp”. (Trích Nhật ký Đặng Thùy Trâm).

Những trang nhật ký, những câu chuyện của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm không chỉ kể về cảm xúc của một bác sĩ chiến trường mà còn là bài học lớn về tình người, về sự kiên cường, về lẽ sống và tình yêu thương với đồng bào mình. Năm tháng trôi qua, những người em gái của chị Thùy trở lại Đức Phổ, vẫn kể mãi những câu chuyện nhỏ về người chị gái luôn là niềm tự hào của cả gia đình. Và chính sự trở về ấy, sự hiện diện đầy yêu thương ấy đã làm sống dậy trong lòng người dân Đức Phổ hình ảnh một Đặng Thùy Trâm rất đỗi gần gũi, không chỉ là liệt sĩ, là bác sĩ, là người chiến sĩ cộng sản mà còn là một người con, một người chị, một người bạn, vẫn hiện hữu giữa đời thường, qua từng trang nhật ký, qua ký ức và qua tình cảm của những người ở lại.

“Một chuyến đi được trở lại mảnh đất đầy ắp kỷ niệm, được nắm tay những người từng gắn bó với chị Thùy và cảm nhận tình cảm của thế hệ trẻ hôm nay đối với chị khiến chúng tôi thật sự xúc động. Chị Thùy như chưa từng rời xa nơi này. Chị vẫn ở đây, trong tim những người dân Đức Phổ và trong lòng chúng tôi...”, bà Hiền Trâm xúc động chia sẻ.

Ngồi bên cạnh bà Hiền Trâm, bà Kim Trâm, người em gái út trong bốn chị em kể: “Cuộc sống gia đình tôi trong khoảng những năm 1956-1965 thật thanh bình. Những buổi sáng chủ nhật, chị Thùy ôm về một bó hoa để cắm lên chiếc bình mầu xanh ngọc có những nếp gấp giống như chiếc lá sen, thường là hoa lay ơn trắng hoặc hoa chân chim tím biếc, nếu mùa hè sẽ là sen. Sao lại có tiền để mua hoa nhỉ, hồi ấy chúng tôi nghèo lắm cơ mà? Má thì ngồi chẻ rau muống bên em Quang (người con trai út - đã mất từ khi đang làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài-PV) ngồi trong chiếc xe mây. Ba (bác sĩ Đặng Ngọc Khuê) và chị Thùy, chị Phương lúi húi trên bàn vẽ những bức tranh bột màu rất to để minh họa cho bài giảng môn giải phẫu của ba. Chiếc máy quay đĩa trên đầu tủ commot vang lên bản nhạc Danube Bleu hay giọng hát của Dalida hoặc Yma Sumac…”.

Thế rồi Mỹ tấn công phá hoại miền bắc. Giữa năm 1965, bác sĩ Ngọc Khuê được điều động đi tăng cường cho Bệnh viện Đông Anh (Hà Nội) với chức danh Phó Giám đốc, phụ trách khối ngoại khoa. Lúc này, chị Thùy học năm cuối Trường đại học Y, đã xung phong đi B và được chuyển sang lớp huấn luyện đặc biệt để chuẩn bị vào làm việc ở chiến trường. Trong đợt thực tập ba tháng về ngoại khoa, chị xin về làm việc ở Bệnh viện Đông Anh để được ba kèm cặp - bà Hiền Trâm nhớ lại.

Trong cuốn nhật ký, bác sĩ Đặng Thùy Trâm kể nhiều về nỗi nhớ Hà Nội và những kỷ niệm lãng mạn về Hà Nội. Cộng thêm giọng nói Hà Nội dịu dàng của chị Thùy đã khiến nhiều người mặc định chị là người Hà Nội. Thực tế, ba của họ là người Huế, còn má là người Quảng Nam. Chị Thùy được sinh ra ở Huế và theo gia đình chuyển về Hà Nội sống từ năm 1956. Điều đáng nói là trong sự lãng mạn của người cha - bác sĩ Ngọc Khuê và sự thích ứng với mọi hoàn cảnh của người mẹ - bà Ngọc Trâm, bốn cô con gái đều được thừa hưởng tất cả nét tài hoa, sự tài giỏi của cha mẹ. Cả bốn cô con gái đều biết thêu thùa, vẽ, hay nấu ăn rất ngon, thích những tác phẩm văn học Nga và Pháp như Chiến tranh và hòa bình, Anna Katerina, Sông Đông êm đềm, Eugenie Grandet… Và mỗi tối, họ đều giữ thói quen đọc sách trước khi đi ngủ.

Truyền thống gia đình luôn được những người em gái của bác sĩ Đặng Thùy Trâm giữ gìn và phát huy. Vì thế, khi bà Hiền Trâm tiết lộ họ vẫn bắt gặp những bó hoa trắng mà nhiều người trẻ đặt lên ngôi mộ của chị Thùy ở Nghĩa trang liệt sĩ Xuân Phương (Hà Nội), chúng tôi hiểu rằng, tâm hồn, trái tim nhiệt huyết và sự yêu thương của bác sĩ Đặng Thùy Trâm sẽ còn mãi như những câu thơ trong cuốn nhật ký mà chị viết: “Ai biết chăng dù ta có chết/ Cho ngày mai, cho đất nước tự do/ Thì trong ta vẫn trọn niềm mơ/ Và trọn vẹn cả tình thương chung thủy…”.

Những người em gái của chị Thùy đã già đi theo thời gian, cùng với sự thay đổi từng ngày, từng giờ của đất nước và của vùng đất Đức Phổ. Chỉ duy nhất một thứ giữ nguyên không thay đổi qua năm tháng đó là tình cảm thân thương của người dân Đức Phổ, mà rộng hơn là của người dân Việt Nam đến với liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Hình ảnh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu, chiến đấu hết mình vì độc lập, tự do, sự bình yên, hạnh phúc của đất nước, dân tộc sẽ mãi mãi được khắc ghi trong lòng mỗi người dân đất Việt... Và trong làn khói hương nhẹ nhàng vương vấn nơi Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, chúng tôi như thấy chị Thùy vẫn đâu đây, giữa mảnh đất yên bình Đức Phổ.

NGỌC ĐINH, MẠNH HÀO

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/duc-pho-mai-nho-dang-thuy-tram-post871037.html