Những mảnh ký ức trong ba lô người lính

Triển lãm 'Bản hùng ca mùa Xuân đại thắng' đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không chỉ là hoạt động trưng bày mà còn là hành trình ngược dòng ký ức. Từng bức ảnh, từng dòng chữ, từng kỷ vật... tất cả góp phần tái hiện sinh động bức tranh tổng thể của mùa Xuân đại thắng.

Trở lại "mùa xuân ấy"

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. 50 năm trôi qua kể từ mùa Xuân đại thắng, nhưng những ký ức một thời đạn lửa vẫn luôn trong tâm trí của nhiều người dân Việt Nam.

Triển lãm “Bản hùng ca mùa Xuân đại thắng” đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tái hiện lại những ký ức về mùa xuân đại thắng giữa lòng Thủ đô. Những hiện vật tại đây là sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại.

Những cựu chiến binh khi tham quan Triển lãm “Bản hùng ca mùa Xuân đại thắng” nhân dịp 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã có rất nhiều xúc cảm. Mỗi hiện vật nơi đây đều gợi lên những ký ức hào hùng, oanh liệt.

Đối với ông Nguyễn Tiến Vẩy (Thanh Oai) - người lính không quân nhập ngũ năm 1974, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam - những bức ảnh chiến sĩ không quân, cùng hiện vật được triển lãm đã nhắc nhớ đến những hi sinh của các thế hệ đi trước, những đồng đội của ông.

Ông Nguyễn Tiến Vẩy chia sẻ: “Trông thấy những kỷ vật ngày xưa chúng tôi bước chân theo chiến dịch, rất nhớ công lao của anh em ngày xưa đi trước, những chiến sĩ bộ binh. Chúng tôi là những chiến sĩ không quân đi đằng sau ủng hộ, vận tải và chiến đấu”.

Gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật được giới thiệu tại Triển lãm, trong đó có những hiện vật lần đầu tiên được công bố. Đó là cuốn sổ trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh do Bộ Chỉ huy chiến dịch ghi chép cẩn thận diễn biến chiến sự từ ngày 25/4/1975 đến ngày 1/5/1975; chiếc la bàn đại tướng Văn Tiến Dũng đã sử dụng để xác định vị trí trên bản đồ, trực tiếp chỉ đạo chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh…

Không chỉ là sự kiện trưng bày, đây còn là hành trình ngược dòng ký ức. Từng bức ảnh, từng dòng chữ, từng kỷ vật... tất cả góp phần tái hiện sinh động bức tranh tổng thể của mùa Xuân đại thắng.“Cha ông chúng ta đã hi sinh bao nhiêu xương máu. Chiến tranh như thế, bộ đội chúng tôi đi cảm tử, bỏ thân nơi chiến trường, không nghĩ trở về nữa. Quân đội thời đấy là như thế”, ông Nguyễn Tiến Vẩy cảm động nói.

Các hình ảnh, hiện vật và tư liệu được giới thiệu tại Triển lãm đều là những báu vật lịch sử, được sưu tầm và lưu giữ công phu từ nhiều nguồn như Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Thư viện Quân đội…

Trung tá Vũ Văn An, Phòng Trưng bày triển lãm - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: “Qua triển lãm, chúng tôi muốn truyền tải thông điệp, khát vọng hòa bình của toàn Đảng, toàn dân và toàn quên. Chúng tôi muốn gửi gắm lớp trẻ hôm nay như cầu nối để phát huy tinh thần chiến thắng".

Những hiện vật trong ba lô nhà báo chiến trường

Giấy báo tử viết tay của Ban Quân y Phân khu 3 (phía Tây Nam Sài Gòn - Gia Định) gửi Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam và Báo Giải Phóng với thông tin: nhà báo Cao Kim, phóng viên Báo Giải Phóng đã hy sinh trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân, ngày 8/3/1968. Giấy báo tử thực ra đã viết nhầm, người hy sinh không phải là nhà báo Cao Kim, đó là một cán bộ chỉ huy đơn vị chiến đấu, còn nhà báo Cao Kim chỉ bị thương.

Sau khi nhận được "giấy báo tử", Cơ quan Báo Giải Phóng đã tổ chức truy điệu nhà báo Cao Kim. Nhưng hai tháng sau đó, nhà báo Cao Kim đã quay trở về tòa soạn khiến mọi người ngỡ ngàng và xúc động vô cùng. Đây là một kỷ vật mà nhà báo Kim Toàn (khi làm Báo Giải Phóng, bí danh và bút danh của ông là Cao Kim) không bao giờ quên trong suốt cuộc đời làm báo của mình.

Ngoài ra, một số hiện vật trong suốt thời gian làm báo chiến trường vẫn được ông giữ đến tận ngày nay, bởi theo ông, đó là những kỷ vật vô giá. Từ viên thuốc sốt rét, thuốc đau bụng đến chiếc ca đựng cơm, đựng rau, chiếc võng... tất cả đều đầy đủ bên trong ba lô của ông.

Nơi ký ức sống mãi

Trước những món hiện vật từng thân thuộc trong cuộc đời người lính, ông Nguyễn Văn Ngọc - cựu chiến binh từng chiến đấu tại chiến trường Thừa Thiên - Huế từ năm 1971 đến ngày giải phóng - lặng người hồi tưởng. Dù đã nhuốm màu thời gian, mỗi vết trầy xước, mỗi mảng gỉ sét trên những kỷ vật vẫn mang trong mình một câu chuyện, một nỗi đau, một niềm tự hào không thể phai mờ.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Ngọc chia sẻ: "Thực tế có nhiều kỷ vật lắm. Những kỷ vật đó khiến tôi nhớ đến tình đồng đội chia sẻ, ngọt bùi trong bom đạn của quân thù".

Tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, có ba hiện vật đã được xếp vào danh sách 256 bảo vật Quốc gia - gắn với các nhân vật, sự kiện làm nên kỳ tích trong cuộc kháng chống Mỹ của dân tộc.

Chiếc xe tăng T54B mang số hiệu 843 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật Quốc gia vào tháng 10/2012. Đây là chiếc xe tăng đã húc đổ cổng phụ của Dinh Độc Lập, đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bảo vật Quốc gia thứ hai là máy bay MiG-21 số hiệu 5121 do Trung tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Phạm Tuân điều khiển, bắn rơi máy bay B-52 của Không quân Mỹ vào đêm ngày 27/12/1972.

Bảo vật Quốc gia thứ ba là Bản đồ quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh, được các cán bộ Phòng Tác chiến, Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam cùng các cán bộ tác chiến Bộ Tổng tham mưu thực hiện trên nền bản đồ miền Nam Việt Nam từ ngày 15/4/1975 đến ngày 21/4/1975, tại Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, đóng tại Tà Thiết, Lộc Ninh, Tây Ninh (nay thuộc tỉnh Bình Phước).

“Quân đội ta có rất nhiều kỷ vật nhưng chưa thể đưa về hết như máy bay, xe tăng, đại bác. Những kỷ vật của Bảo tàng gợi nhớ tới những kỷ niệm anh hùng của đồng đội khi đánh đuổi Mỹ ra khỏi đất nước Việt Nam", cựu chiến binh Phạm Quang Kiệm cho hay.

Bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày, mà còn là nơi "kể chuyện". Từng hiện vật như biết nói, từng bức ảnh như biết kể lại. Ở đó, lịch sử không khô khan. Nó hiện lên chân thực, sống động qua từng hiện vật, những dấu vết không thể xóa nhòa của một thời kỳ mà cả dân tộc cùng đứng dậy, vì độc lập - tự do.

Trung tá Vũ Văn An - Phòng Trưng bày triển lãm, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng: "Những tư liệu, hình ảnh, hiện vật tại đây được trưng bày như những chứng nhân lịch sử, không chỉ lưu giữ ký ức mà còn truyền tải cho thế hệ hôm nay và mai sau phát huy giá trị lịch sử, những chiến thắng của ông cha trong lịch sử dân tộc".

Phan Hằng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nhung-manh-ky-uc-trong-ba-lo-nguoi-linh-323158.htm