Đức quốc hữu hóa Uniper cứu nguy khủng hoảng năng lượng
Chính phủ Đức đã đạt đồng thuận nhất trí quốc hữu hóa Uniper, hãng nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.
Theo hãng AP, Chính phủ Đức ngày 21/9 cho biết đã nhất trí quốc hữu hóa công ty nhập khẩu khí đốt lớn nhất tại Đức (Uniper). Đây là một nỗ lực tăng cường sự tham gia của nhà nước vào ngành công nghiệp khí đốt để ngăn chặn khủng hoảng năng lượng. Kể từ khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Đức, công ty Uniper đã buộc phải tìm nguồn cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng LNG thay thế nhưng vô cùng đắt đỏ trên thị trường và điều này khiến đại gia năng lượng Uniper rơi vào tình trạng khó khăn.
Hồi tháng 7, Chính phủ Đức đã đồng ý mua 30% cổ phần của Uniper và cung cấp thêm vốn để giúp công ty vượt qua khó khăn khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt với châu Âu. Giá khí đốt tăng đột biến khiến công ty Uniper thiệt hại hàng triệu euro mỗi ngày.
Thỏa thuận lần này với công ty Uniper được xây dựng dựa trên gói giải cứu đã thống nhất từ tháng 7. Phía Uniper cho biết họ đang hoàn tất quá trình đàm phán với Chính phủ Đức để được nhận 8 tỷ euro (8 tỷ USD). Chính phủ Đức cũng sẽ mua phần lớn cổ phần ở cả công ty này và công ty mẹ của Uniper – Fortum tại Phần Lan.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói rằng quyết định này là cần thiết vì tầm quan trọng của Uniper đối với thị trường khí đốt của Đức. Tất nhiên vẫn cần sự phê duyệt của Ủy ban châu Âu. Công ty Uniper từng cung cấp khoảng 40% khí đốt cho khách hàng ở Đức vào thời điểm trước khi căng thẳng Ukraine. Trước đó, công ty này đã nhập khẩu 1/2 lượng khí đốt từ Nga và phụ thuộc vào Moscow nhiều hơn các doanh nghiệp khí đốt khác.
Giá khí đốt tăng cao và việc Nga siết nguồn cung cho châu Âu đã khiến Đức phải tung hàng loạt gói cứu trợ và các khoản vay giải cứu cho các công ty năng lượng. Nhu cầu sưởi ấm cho mùa đông tới cũng như việc sử dụng điện tăng cao đang gây ra lo ngại về việc đóng cửa kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Đúc đồng thời gây ra suy thoái kinh tế đất nước vào mùa đông tới. Các khoản lỗ gia tăng của công ty Uniper do Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên đã buộc Chính phủ Đức phải vào cuộc giải quyết vấn đề căng thẳng này ở hiện tại.
Giải pháp cứu nguy khủng hoảng năng lượng
Đức dự kiến sẽ ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga cung cấp cho các nhà máy lọc dầu của họ vào cuối năm nay. Không chỉ riêng Berlin, các nước châu Âu đang nỗ lực hết sức để ứng phó với vòng xoáy giá cả và ưu tiên đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho mùa đông, bao gồm cả việc dự trữ kho khí đốt tự nhiên. Chỉ trong tuần trước, Đức đã thông báo sẽ nhanh chóng nắm quyền kiểm soát 3 nhà máy lọc dầu của Nga tại Đức để đảm bảo an ninh năng lượng.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhấn mạnh Đức đang cố gắng tăng cường dự trữ khí đốt lên tới khoảng 90% công suất để chuẩn bị cho mùa đông tới cho dù Moscow đã ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1. Ông Robert Habeck khẳng định giá bán buôn khí đốt đã giảm gần 1/2 so với đầu hè năm nay.
"Điều này có nghĩa, về tổng thể, chúng ta đã đối phó khá tốt với tình trạng khủng hoảng năng lượng. Nhưng với Uniper, tình hình đang trở nên nghiêm trọng hơn và tồi tệ đi đáng kể", ông Habeck nhận định.
Nhắc đến tầm quan trọng của Uniper đối với thị trường khí đốt của Đức, Bộ trưởng RobertHabeck khẳng định Chính phủ đã chọn quốc hữu hóa công ty để đảm bảo an ninh nguồn cung cho Đức. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng cho rằng Đức sẽ có đủ năng lượng để vượt qua mùa đông năm nay và các nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng mới dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động trong những tháng tới. Chính phủ Đức đang tiếp quản chi nhánh tại Đức của Rosneft - hãng dầu mỏ lớn nhất Nga. Động thái này được thực hiện trong bối cảnh chính quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có do căng thẳng tại Ukraine. Giới quan sát nhận định đây là bước tiến quan trọng mới thể hiện sự chủ động của Berlin đối với ngành năng lượng. Đức đang cố gắng tìm phương án thay thế sau hàng chục năm hợp tác khí đốt với Nga. Rosneft chiếm khoảng 12% công suất lọc dầu của Đức, nhập khẩu dầu trị giá vài trăm triệu euro (đô la) mỗi tháng. Chính phủ Đức cho biết việc ủy thác ban đầu sẽ kéo dài trong 6 tháng.
Berlin cũng đã tiếp quản Gazprom Germania – chi nhánh tại Đức của đại gia khí đốt Nga Gazprom. Giới phân tích cho rằng quá trình giải cứu khẩn cấp của Đức có thể vẫn chưa kết thúc. Nhiều công ty khác ở nhiều lĩnh vực cũng có thể cần cứu trợ khi cuộc khủng hoảng ngày càng lan rộng trong bối cảnh lạm phát và giá nhiên liệu cao./.