Đức sắp bước vào giai đoạn khẩn về khí đốt: Khó khăn 'phơi bày' lỗ hổng của châu Âu
Các nước châu Âu đang gấp rút chuẩn bị khí đốt dự trữ cho mùa đông sắp tới.
Hãng tin Bloomberg đưa tin, Đức đang chuẩn bị khởi động giai đoạn thứ 2 của kế hoạch khí đốt khẩn cấp 3 giai đoạn - một động thái có thể đồng nghĩa với việc khiến hóa đơn khí đốt của các nhà máy cũng như của các hộ gia đình tăng cao.
Đức nâng cấp báo động?
Một nguồn thạo tin cho biết, chính phủ nước này có thể sớm chuyển sang giai đoạn "báo động" về khí đốt. Nước này đã đang ở giai đoạn "cảnh báo sớm" kể từ ngày 30/3.
Đức đang tìm cách giảm lượng khí đốt được sử dụng để bổ sung vào kho tích trữ sau khi Nga cắt giảm khoảng 60% lượng dầu xuất khẩu sang Đức thông qua hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream 1. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cáo buộc động thái này của Nga làm thị trường bất ổn.
Những người mua khí đốt đã gặp khó khăn kể từ tuần trước trong nỗ lực thay thế khối lượng khí đốt còn thiếu từ Nga. Hiện lượng khí đốt dự trữ ở kho đang ở mức 58%. Nước này đang tìm cách chuẩn bị cho mùa đông sắp tới bằng cách lấp đầy các bình dự trữ lên mức 80% tới ngày 1/10 và 90% tới ngày 1/11.
Việc kích hoạt giai đoạn 2 trong kế hoạch khẩn cấp của Đức có thể đồng nghĩa với việc thay đổi luật cho phép các công ty năng lượng chuyển các khoản tăng chi phí cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Điều này cũng có thể bao gồm việc sử dụng thêm các nhà máy điện than để giảm việc tiêu thụ khí đốt. Các biện pháp vẫn đang được chính phủ đánh giá.
Đòn đau về kinh tế
Các hành động này có thể giáng một đòn khác cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu vốn đang phải đối mặt với tỉ lệ lạm phát ngày càng tăng. Các ngành công nghiệp từ hóa chất đến thép đã cảnh báo rằng họ có thể phải đóng cửa các nhà máy và giảm sản lượng do chi phí năng lượng cao hơn.
Theo Bloomberg, giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã tăng 33% trong tháng này, chạm mức 125 euro/ mỗi megawatt-giờ vào hôm 21/6. Mức giá cho lượng năng lượng như thế này vào 1 năm trước là 30 euro.
Đức đang chuẩn bị chuyển hướng khỏi khí đốt của Nga, khai thác nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng và các nguồn sẵn có khác sau khi các lệnh trừng phạt được áp đặt lên Nga khiến rủi ro bị cắt giảm nguồn cung khí đốt tăng cao.
Nếu Đức nâng kế hoạch về khí đốt của mình lên mức cảnh cáo cao nhất, tức là "khẩn cấp", thì nhà nước sẽ nắm quyền kiểm soát toàn bộ mạng lưới phân phối khí đốt của đất nước, Bloomberg cho hay.
Hãng tin RT (Nga) nhận định, giá nhiên liệu đã tăng vọt trong những tháng gần đây sau sự kiện ở Ukraine hồi tháng 2 khiến Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Moscow. Tuy nhiên, trong khi các biện pháp trừng phạt đó nhằm vào Moscow, về mặt kinh tế, chúng lại đang có tác dụng ngược lại và ngày càng ảnh hưởng đến các gia đình châu Âu.
Lỗ hổng của châu Âu
Hiệp hội Công nghiệp Nước và Năng lượng Liên bang từ chối xác nhận cũng như phủ nhận liệu bước tiếp theo của kế hoạch khẩn cấp này có hiệu lực hay không khi được yêu cầu bình luận.
Cơ quan quản lý khí đốt Bundesnetzagentur gần đây đã phác thảo chi tiết về hệ thống đấu giá sẽ được đưa ra trong những tuần tới, nhằm mục đích giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên giữa các nhà sản xuất.
Người đứng đầu cơ quan này đã bày tỏ quan ngại về việc liệu nguồn cung cấp khí đốt hiện tại có trụ được qua mùa đông hay không. Đồng thời, Giám đốc điều hành của công ty năng lượng lớn nhất của Đức Markus Krebber, ám chỉ về một viễn cảnh khó khăn rằng "hiện tại không có kế hoạch ở cấp châu Âu để phân phối lại khí đốt nếu chúng ta bị cắt hoàn toàn."
Hãng tin Reuters (Anh) cho biết, một cơ quan trong ngành cảnh báo hôm 21/6 rằng, Đức sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái nếu nguồn cung khí đốt của Nga ngừng hoàn toàn và Ý cho biết, họ sẽ xem xét cung cấp hỗ trợ tài chính để giúp các công ty bổ sung lại kho khí đốt để tránh một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn vào mùa đông.
Các quốc gia Ý, Áo, Đan Mạch, Đức và Hà Lan đã kích hoạt cảnh báo sớm đầu tiên của kế hoạch 3 giai đoạn nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng khí đốt.
Giám đốc điều hành của công ty điện lực lớn nhất Đức RWE (RWEG.DE) Markus Krebber cho biết châu Âu hiện có rất ít thời gian để lên kế hoạch.