Đức sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về xung đột Libya
Ngày 14/1, Chính phủ Đức xác nhận quốc gia này sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về cuộc xung đột tại Libya vào cuối tuần này.
Nước chủ nhà đã mời đại diện 11 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, tới tham dự hội nghị. Berlin cũng mời đại diện của các bên đối lập tại Libya, gồm Tướng Khalifa Haftar - Chỉ huy Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tự xưng - và người đứng đầu Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) ở Tripoli Fayez al-Sarraj nhưng chưa nhận được phản hồi từ hai bên.
Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Đức Angela Merkel nêu rõ tiến trình này nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Liên hợp quốc để tháo gỡ cuộc khủng hoảng Libya cũng như tiến trình hòa giải tại quốc gia này. Thông báo cũng nêu rõ đã có một số vòng đàm phán quan chức cấp cao về vấn đề Libya diễn ra tại Berlin trong vài tháng qua. Một nguồn thạo tin cho biết hội nghị sắp tới tại Đức cũng sẽ nhằm giúp các bên tại Libya giải quyết các vấn đề mà không cần sự can thiệp từ nước ngoài.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi phái đoàn của hai bên đối địch ở Libya tiến hành đàm phán tại Moskva nhằm tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn dưới sự trung gian của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 14/1, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố Tướng Haftar và người đứng đầu GNA ở Tripoli Fayez al-Sarraj hôm 13/1 đã đạt được một thỏa thuận trên nguyên tắc nhằm duy trì lệnh ngừng bắn đang diễn ra. Tuy nhiên, Tướng Khalifa Haftar đã đề nghị tạm hoãn 2 ngày để cân nhắc trước khi ký kết thỏa thuận. Bộ Quốc phòng Nga cho biết Tướng Haftar đã chấp thuận tuyên bố cuối cùng nhưng trước khi ký, ông cần hai ngày để thảo luận về nội dung thỏa thuận với các thủ lĩnh LNA. Thỏa thuận này đã được người đứng đầu GNA ký.
Libya vẫn trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. GNA do Thủ tướng Fayez al-Sarraj đứng đầu hoạt động ở thủ đô Tripoli và được Liên hợp quốc công nhận, trong khi LNA của Tướng Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi LNA được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp. Việc Thổ Nhĩ Kỳ mới đây quyết định triển khai binh lính tới hỗ trợ huấn luyện quân đội GNA khiến cộng đồng quốc tế lo ngại tình hình xung đột sẽ diễn biến phức tạp hơn.