Đức soạn chính sách thương mại mới để chấm dứt 'sự ngây thơ' với Trung Quốc
Ngày 13/9, Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết chính phủ nước này đang soạn thảo chính sách thương mại mới để giảm phụ thuộc vào nguyên liệu thô, pin và thiết bị bán dẫn của Trung Quốc, nhằm chấm dứt 'sự ngây thơ' trong thương mại với Bắc Kinh.
Tuần trước, Reuters dẫn các nguồn tin cho biết Bộ Kinh tế Đức đang cân nhắc dự thảo các biện pháp để khiến hoạt động làm ăn với Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn hơn. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck khẳng định rõ ràng về việc đưa quan điểm cứng rắn thành biện pháp chính sách.
Ông Habeck nói với Reuters rằng Trung Quốc là một đối tác thương mại được hoan nghênh, nhưng Đức không thể cho phép chính sách thương mại bảo hộ của Bắc Kinh bóp méo cạnh tranh và sẽ không kiềm chế lên tiếng về vấn đề nhân quyền vì sợ mất cơ hội làm ăn nữa.
“Chúng tôi không thể để chính mình bị ép buộc”, ông Habeck nói trong cuộc trả lời phỏng vấn.
Bộ trưởng này không nêu cụ thể các biện pháp mới, nhưng cho biết sẽ rà soát kỹ những khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu, như lĩnh vực hạ tầng.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong 6 năm qua, với kim ngạch đạt hơn 246 tỷ USD trong năm 2021.
Chính phủ trung tả của Đức đang áp dụng quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh so với thời của bà Angela Merkel, vì lo ngại Đức quá phụ thuộc vào siêu cường kinh tế châu Á.
Các biện pháp có thể gồm giảm hoặc loại bỏ bảo hộ đầu tư và xuất khẩu sang Trung Quốc và không tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại. Ông Habeck nói rằng Đức phải mở cửa cho các đối tác thương mại mới khi nhiều ngành đang phụ thuộc nặng nề vào thị trường Trung Quốc.
“Nếu thị trường Trung Quốc bị đóng lại, dù chưa thể xảy ra vào lúc này, chúng tôi sẽ gặp những vấn đề nghiêm trọng về doanh số”, ông Habeck nói.
Ông cho biết Bộ Kinh tế Đức đang đóng góp soạn thảo chính sách thương mại Đức – Trung Quốc mới. “Từ điều này, bạn sẽ không nhìn thấy sự ngây thơ nữa”, ông nói.