Đức thông qua kế hoạch tình huống chiến tranh mới

Đức chuẩn bị kế hoạch tình huống chiến tranh bao gồm khôi phục nghĩa vụ quân sự bắt buộc và triển khai quân NATO ở sườn phía đông.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Triển lãm hàng không ILA Berlin, Schoenefeld, ngày 5 tháng 6 năm 2024. Ảnh: Getty Images

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Triển lãm hàng không ILA Berlin, Schoenefeld, ngày 5 tháng 6 năm 2024. Ảnh: Getty Images

Chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa thông qua kế hoạch mới, bao gồm việc chuẩn bị cho cuộc chiến tiềm năng trong tương lai không xa, RT đưa tin.

Kế hoạch mới được đưa ra bao gồm khôi phục nghĩa vụ quân sự bắt buộc và triển khai quân NATO ở sườn phía đông, với lý do ngày càng lo ngại về các mối đe dọa từ Nga.

Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser cho biết trong một tuyên bố rằng khuôn khổ quốc phòng mới của đất nước đã được nội các của Thủ tướng Olaf Scholz phê duyệt hôm 5/6, thay thế các hướng dẫn có từ năm 1989. “Chúng ta có một tình hình an ninh hoàn toàn thay đổi ở châu Âu”.

Kế hoạch phòng thủ mới nêu rõ những chi tiết như chế độ tòng quân bắt buộc và buộc các nhà sản xuất chỉ sản xuất hàng hóa phục vụ chiến tranh. Các khu vực có thể được sơ tán, và các ga tàu điện ngầm, bãi đậu xe ngầm và các cơ sở ngầm khác sẽ được sử dụng làm nơi trú ẩn tạm thời.

Những sửa đổi trong kế hoạch cũng phản ánh sự mở rộng về phía đông của NATO, điều này có thể có nghĩa là hỗ trợ các đồng minh ở các nước vùng Baltic.

Nội các cho biết: “Đức không còn là quốc gia tiền tuyến mà phục vụ các lực lượng vũ trang đồng minh như một trung tâm của liên minh ở trung tâm châu Âu” .

Chính phủ Đức được cho là có kế hoạch kiểm soát việc phân phối thực phẩm để đối phó với tình trạng thiếu hụt có thể xảy ra trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Những biện pháp dự phòng đó bao gồm dự trữ lúa mì và các loại ngũ cốc khác ở những địa điểm bí mật và tạo ra một kho dự trữ gạo và đậu khẩn cấp. Nguồn dự trữ sẽ cung cấp cho người dân Đức một bữa ăn nóng mỗi ngày, hãng truyền thông Bild của Đức đưa tin.

Ngoài nghĩa vụ quân sự, công dân có thể bị buộc phải làm một số công việc dân sự nhất định, chẳng hạn như điều dưỡng hoặc nướng bánh mì. Các bệnh viện sẽ phải chuẩn bị cho lượng lớn bệnh nhân.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết các kế hoạch mới phản ánh các mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng.

Ông nhấn mạnh: “Việc bảo vệ tổng thể nước Đức là nhiệm vụ mà tất cả chúng ta, các tổ chức nhà nước và dân sự, cũng như mỗi người chúng ta, phải đóng góp”. “Chúng ta cần một xã hội kiên cường có thể đối phó với những thách thức.”

Ông Pistorius cảnh báo các nhà lập pháp Đức rằng nước này phải “sẵn sàng cho chiến tranh” vào năm 2029.

Ông cho rằng Bundeswehr (quân đội Đức) cần được mở rộng, lý tưởng nhất là bằng cách yêu cầu nghĩa vụ quân sự “không thể hoàn toàn miễn nghĩa vụ”.

Hiện có khoảng 181.000 thành viên đang tại ngũ của Bundeswehr, tức lực lượng vũ trang Đức.

Bộ trưởng Pistorius nói với các nhà lập pháp rằng con số này phải tăng lên, lý tưởng nhất là thông qua một “hình thức nghĩa vụ quân sự mới” mà “không thể hoàn toàn thoát khỏi nghĩa vụ”.

Kế hoạch tuyển quân mới nhất mang tính thận trọng sẽ yêu cầu tất cả thanh niên 18 tuổi trả lời một bảng câu hỏi về tình trạng thể chất của họ, trong đó những ứng viên triển vọng nhất được khuyến khích đăng ký bằng lái xe miễn phí và giảm giá khoản vay sinh viên, cùng các phần thưởng khác.

Bên cạnh việc tăng cường tuyển dụng, Đức cũng gặp khó khăn trong việc cung cấp vũ khí và thiết bị cho những người đang phục vụ. Theo một tài liệu của Bộ Quốc phòng mà hãng tin Bild của Đức nhìn thấy, các đơn đặt hàng của Bundeswehr về đồng phục, mũ bảo hiểm, ba lô và áo chống đạn đã không được đáp ứng đầy đủ vào năm ngoái.

Berlin đã bãi bỏ quân dịch vào năm 2011 và quân đội nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu trang thiết bị. Một báo cáo của quốc hội năm ngoái cho biết, với tốc độ phục hồi quân sự hiện nay, có thể phải mất nửa thế kỷ để củng cố lực lượng Đức.

Đức và các thành viên NATO khác tuyên bố rằng khối này phải đối mặt với mối đe dọa xâm lược của Nga nếu Moscow chiếm ưu thế trong cuộc xung đột với Ukraine.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin khi phát biểu tại cuộc họp báo với các cơ quan truyền thông nước ngoài tại St. Petersburg, đã cho biết các chính phủ phương Tây đang gây ra những lo ngại vô lý để giúp duy trì quyền bá chủ toàn cầu của họ.

Ông nói thêm: “Có người đã tưởng tượng rằng Nga muốn tấn công NATO.... Anh đã phát điên hoàn toàn rồi à?.. Ai đã nghĩ ra cái trò vớ vẩn này, cái thứ vớ vẩn này?”

Đông Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/duc-thong-qua-ke-hoach-tinh-huong-chien-tranh-moi-post686700.html