Đức thừa nhận 'vết nứt' trên dự án máy bay chiến đấu tương lai của châu Âu

Dự án FCAS là một sáng kiến trị giá hàng tỷ Euro giữa Đức, Pháp và Tây Ban Nha nhằm tăng cường khả năng không chiến tiên tiến cho châu Âu.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz hôm 9/7 đã tái khẳng định sự ủng hộ của ông đối với chương trình máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của châu Âu, nhưng thừa nhận những căng thẳng đang diễn ra với Pháp về cơ cấu của dự án.

Phát biểu cùng Tổng Thư ký NATO Mark Rutte tại Berlin, ông Merz cho biết ông cam kết tôn trọng các thỏa thuận trước đây với Paris và Madrid về Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai (FCAS), một sáng kiến trị giá hàng tỷ Euro nhằm thay thế các phi đội máy bay chiến đấu hiện tại bằng các tiêm kích thế hệ thứ 6 tiên tiến, bắt đầu vào năm 2040.

"Tôi hoàn toàn muốn chúng ta tuân thủ các thỏa thuận đã ký kết với Pháp và Tây Ban Nha liên quan đến FCAS", ông Merz nói, gọi đây là "một dự án tốt cho quốc phòng châu Âu" và cho biết Đức cần những máy bay như vậy để đáp ứng các yêu cầu hoạt động của chính mình.

Những bình luận của ông Merz được đưa ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Berlin và Paris sau khi các công ty công nghiệp Pháp thúc đẩy việc nắm giữ 80% công việc cho yếu tố cốt lõi của chương trình FCAS – Hệ thống Vũ khí Thế hệ Tiếp theo (NGWS) – gây ra lo ngại trong ngành công nghiệp và chính phủ Đức.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz. Ảnh: Getty Images

Thủ tướng Đức Friedrich Merz. Ảnh: Getty Images

Thủ tướng Đức Merz thừa nhận "vết nứt" trên dự án hợp tác giữa các bên – nhằm tăng cường khả năng không chiến tiên tiến cho châu Âu – vẫn chưa được giải quyết.

"Những quan điểm khác nhau về thành phần của liên minh này vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi đã quyết tâm làm rõ vấn đề này một cách dứt khoát trong vài tháng tới", ông Merz cho biết, đề cập đến "các cuộc thảo luận tại Pháp".

Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai (FCAS)

Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai (Tiếng Anh: FCAS – Future Air Combat System, Tiếng Pháp: SCAF – Système de Combat Aérien du Futur), là một dự án hợp tác giữa Pháp, Đức và Tây Ban Nha, thể hiện ý chí và năng lực đổi mới của các quốc gia và ngành công nghiệp châu Âu.

Dự án này – được Pháp và Đức ra mắt vào năm 2017, có thêm Tây Ban Nha tham gia vào năm 2019 – khẳng định tham vọng của các cường quốc quân sự hàng đầu châu Âu về xây dựng một khuôn khổ quốc phòng hiện đại.

FCAS dự kiến sẽ thay thế máy bay chiến đấu Rafale của Pháp và Eurofighter của Đức và Tây Ban Nha vào năm 2040.

Nó được giới thiệu như một "hệ thống của các hệ thống", trong đó máy bay chiến đấu sẽ được hỗ trợ bởi các Thiết bị Điều khiển Từ xa (RC – Remote Carriers), tất cả được kết nối thông qua một "đám mây chiến đấu" với các tài sản quân sự khác tham gia trên chiến trường.

FCAS sẽ tích hợp các nền tảng và cảm biến hiện tại cũng như thế hệ tiếp theo, cùng với các công nghệ đột phá trong tương lai để thích nghi và đối phó với các thách thức và mối đe dọa trong những thập kỷ tới.

Do đó, FCAS sẽ đảm bảo rằng các lực lượng vũ trang của 3 quốc gia tham gia dự án được hưởng lợi đầy đủ từ kỷ nguyên của chiến đấu hợp tác.

Ảnh minh họa về máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo và chiến đấu hợp tác.

Ảnh minh họa về máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo và chiến đấu hợp tác.

FCAS là một hệ thống mở, các thành phần của nó có thể phát triển theo thời gian. Nhờ kiến trúc module, "hệ thống của các hệ thống" FCAS sẽ có thể tích hợp các công nghệ đột phá trong tương lai để khai thác toàn bộ tiềm năng của dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI).

Hệ thống Vũ khí Thế hệ Tiếp theo (NGWS) – Cốt lõi của FCAS

Hệ thống Vũ khí Thế hệ Tiếp theo (NGWS) là yếu tố cốt lõi của FCAS. Nó được giới thiệu lần đầu tiên tại Triển lãm Hàng không Paris (Paris Air Show) 2019.

NGWS sẽ xoay quanh máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo (NGF), các Thiết bị Điều khiển Từ xa (RC) không người lái và một "đám mây chiến đấu".

Gọi NGWS là cốt lõi vì nó sẽ cho phép giao tiếp với các thành phần FCAS hiện tại và tương lai khác. Và trong NGWS, máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo là một yếu tố trung tâm.

Được trang bị các công nghệ mới nhất về khả năng sống sót, kết nối, AI và buồng lái thế hệ mới, NGWS sẽ có thể thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ tác chiến tương lai trong những môi trường ngày càng phức tạp.

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 này cũng sẽ có khả năng thực hiện các hoạt động hoàn toàn tự chủ và sẽ dẫn dắt các đội máy bay không người lái, và nằm ở trung tâm của mạng lưới chiến đấu hợp tác.

Minh Đức (Theo Politico, EDR)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/duc-thua-nhan-vet-nut-tren-du-an-may-bay-chien-dau-tuong-lai-cua-chau-au-20425071016565276.htm