Trung Quốc có thể vận hành tàu cao tốc nhanh nhất thế giới vào cuối năm 2026

Tại Hội nghị Đường sắt cao tốc thế giới lần thứ 12 vừa diễn ra tại Bắc Kinh, tàu cao tốc thương mại nhanh nhất thế giới của Trung Quốc CR450 được quan tâm như một 'ngôi sao'.

Theo các chuyên gia nước này, CR450 còn cần phải trải qua các cuộc thử nghiệm trong vòng một năm tới và 600.000 km để chính thức đi vào vận hành thương mại.

Nguyên mẫu tàu cao tốc thế hệ mới CR450 đã được Trung Quốc giới thiệu với toàn thế giới vào cuối năm 2024 và nhanh chóng trở thành niềm tự hào của ngành đường sắt cao tốc nước này.

Mô hình tàu cao tốc CR450 thương mại nhanh nhất thế giới của Trung Quốc tại Triển lãm công nghệ và thiết bị đường sắt hiện đại quốc tế Trung Quốc lần thứ 17

Mô hình tàu cao tốc CR450 thương mại nhanh nhất thế giới của Trung Quốc tại Triển lãm công nghệ và thiết bị đường sắt hiện đại quốc tế Trung Quốc lần thứ 17

Con tàu này gồm 2 mẫu CR450-AF và CR450-BF, hiện được đặt tại Trung tâm thử nghiệm đường sắt quốc gia ở thủ đô Bắc Kinh và đã thu hút mọi ánh nhìn của giới chuyên môn và truyền thông tham dự Hội nghị Đường sắt cao tốc thế giới lần thứ 12.

Nguyên mẫu tàu CR450 trên thực địa

Nguyên mẫu tàu CR450 trên thực địa

Về tiến độ thử nghiệm của CR450, ông Trương Ba (Zhang Bo), Viện trưởng Viện Cơ khí và Đầu máy xe lửa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Đường sắt Trung Quốc, người từng tham gia thử nghiệm tàu CR450BF, cho biết các bài thử nghiệm vận hành đã chứng minh 4 chỉ số chính gồm tốc độ, mức tiêu thụ năng lượng, độ ồn, quãng đường phanh của CR450 đều đáp ứng kỳ vọng. “Tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục trải qua quá trình đánh giá ứng dụng 600.000 km trên các tuyến đường sắt cao tốc chưa khai thác vào tháng 8. Sau khi hoàn tất quá trình đánh giá, chúng tôi sẽ làm các thủ tục xin cấp số loại và sau đó đưa vào vận hành khi thời điểm thích hợp”.

Ông Trương Ba, Viện trưởng Viện Cơ khí và Đầu máy xe lửa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Đường sắt Trung Quốc

Ông Trương Ba, Viện trưởng Viện Cơ khí và Đầu máy xe lửa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Đường sắt Trung Quốc

Bà Nhiếp Dĩnh (Nie Ying), Giám đốc thiết kế tàu CR450AF, bổ sung thêm con tàu này sẽ phải hoàn thành một quy trình xác minh hoàn chỉnh trước khi chính thức đi vào vận hành: “Sau khi hoàn tất thử nghiệm hành trình, chúng tôi sẽ phải tiến hành đánh giá vận hành trong vòng một năm và 600.000 km. Sau đó, sẽ tiến hành đánh giá kỹ thuật và nộp đơn xin cấp số hiệu lên Cục Đăng kiểm Quốc gia. Chỉ khi hoàn tất, tàu mới có thể được đưa vào vận hành. Quá trình này có thể sẽ mất một thời gian tương đối dài, ít nhất là đến năm sau. Ngoài tốc độ cao hơn, tàu của chúng tôi còn được yêu cầu phải an toàn hơn. Ngay từ đầu khi thiết kế, chúng tôi đã lấy sự an toàn và độ tin cậy làm chuẩn mực. Hệ số an toàn và cấp độ an toàn của toàn bộ hệ thống phải đạt mục tiêu không thấp hơn tàu cao tốc Phục Hưng (Fuxing) tốc độ 350 km/h và các cuộc thử nghiệm đã chứng minh là đáp ứng kỳ vọng”.

Bà Nhiếp Dĩnh, Giám đốc thiết kế tàu CR450AF

Bà Nhiếp Dĩnh, Giám đốc thiết kế tàu CR450AF

Được biết, tốc độ thử nghiệm của CR450 đã đạt 450 km/giờ và tốc độ vận hành đạt 400 km/giờ; hiệu suất phanh được cải thiện 20%, thời gian phản hồi rút ngắn xuống còn 1,7 giây; trọng lượng xe giảm hơn 10%, giúp mức tiêu thụ năng lượng giảm đáng kể; tiếng ồn cũng được kiểm soát tốt hơn và không gian nội thất rộng rãi hơn. Với tốc độ sau khi đi vào hoạt động dự kiến đạt 400 km/h, CR450 sẽ trở thành tàu cao tốc vận hành thương mại nhanh nhất thế giới.

Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ mục tiêu tiếp theo sau khi con tàu này đi vào sử dụng. Tuy nhiên, nguyên mẫu tàu đệm từ cao tốc siêu dẫn đầu tiên của Trung Quốc được trưng bày cùng với CR450 dường như đang mở ra những ý tưởng mới cho giao thông trong tương lai, khi nó có thể vận hành với tốc độ tối đa lên tới 600 km/giờ.

Ông Vu Thanh Tùng (Yu Qingsong), Viện trưởng Viện Nghiên cứu đệm từ (Maglev) thuộc Công ty TNHH Phương tiện Đường sắt Trường Xuân của Tập đoàn CRRC - nhà cung cấp phương tiện và công nghệ đường sắt lớn nhất thế giới của Trung Quốc hiện nay, cho biết: “Công nghệ tàu đệm từ siêu dẫn có không gian tăng tốc rộng, có thể lấp đầy khoảng trống về tốc độ giữa đường sắt cao tốc và máy bay một cách hiệu quả”.

Nguyên mẫu tàu đệm từ cao tốc siêu dẫn có tốc độ thiết kế 600km/h

Nguyên mẫu tàu đệm từ cao tốc siêu dẫn có tốc độ thiết kế 600km/h

Theo số liệu của phía Trung Quốc, đến nay, nước này đã xây dựng được một mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất, tiên tiến nhất về mặt công nghệ và đa dạng nhất về mặt vận hành trên thế giới. Với tổng quãng đường 48.000 km - chiếm hơn 70% mạng lưới đường sắt cao tốc toàn cầu hiện nay, mạng lưới này đã bao phủ 97% các thành phố có dân số trên 500.000 người ở Trung Quốc.

Mục tiêu của nước này là đến năm 2030, một mạng lưới đường sắt hiện đại đẳng cấp thế giới sẽ được hoàn thành, với tổng chiều dài vận hành đạt khoảng 180.000 km, trong đó đường sắt cao tốc khoảng 60.000 km.

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/trung-quoc-co-the-van-hanh-tau-cao-toc-nhanh-nhat-the-gioi-vao-cuoi-nam-2026-post1213972.vov