Dục tốc bất đạt
Chỉ vài ngày sau mốc 100 ngày cầm quyền đầu tiên ở nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố ngừng đóng vai trò ngoại giao trung gian giữa các bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp đến cuộc xung đột ở Ukraine giữa Nga và Ukraine để đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột này.
Ngay từ khi còn vận động tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump từng nhiều lần cam kết, tuyên bố có đủ năng lực để nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột này và cả cuộc xung đột ở Dải Gaza giữa Israel và Hamas, thậm chí chỉ trong một ngày.
Sau khi trở lại cầm quyền ở Mỹ, ông Donald Trump đã thực thi ngay cách tiếp cận rất khác so với chính quyền tiền nhiệm trong chính sách của Mỹ đối với Nga và Liên minh châu Âu (EU), đối với Ukraine và cuộc xung đột ở Ukraine. Ông Donald Trump đã rất thức thời và thực tế khi coi Nga là chìa khóa cho việc chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Ông cũng hiểu rằng, chìa khóa chấm dứt xung đột ở Ukraine không phải là tiếp tục cùng EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga cho tới khi Nga lụi bại trên chiến trường.
Ông Donald Trump đã chủ động điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã khởi động tiến trình định hình lại mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Nga cũng như đàm phán với Nga về giải pháp giúp chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Phía Mỹ đáp ứng nhiều điều kiện tiên quyết của Nga cho việc ngừng chiến và tiến tới chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine bất chấp mọi quan ngại và phản đối của Ukraine cũng như EU.
Nhưng dự thảo đề xuất giải pháp của Mỹ không được EU và Ukraine chấp nhận trong khi Nga không chấp nhận dự thảo đề xuất giải pháp của EU và Ukraine. Hoạt động ngoại giao trung gian của Mỹ vì thế không thành công. Ông Donald Trump dẫu rất nỗ lực và khai phá hướng giải quyết mới, khuấy động được nỗ lực của các bên liên quan nhằm chấm dứt cuộc chiến hoặc chí ít thì cũng ngừng chiến nhưng vẫn chưa thể thành công.
Nguyên nhân là hai cái "quá" ở cách thực hiện của Tổng thống Donald Trump. Thứ nhất là ông Donald Trump quá vội vã và quá hối hả với việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề cuộc xung đột ở Ukraine khi không hội đủ yếu tố "thiên thời" lẫn "địa lợi" và "nhân hòa" để đạt được hòa bình. Nga đang thắng thế trên chiến trường nên chỉ sẵn sàng nhượng bộ khi được trả giá đúng từ phía Mỹ cũng như EU, NATO, Ukraine. Ukraine vẫn tin rằng Mỹ sẽ không và EU, NATO lại càng không buông bỏ Ukraine. EU và NATO vẫn rất quyết tâm tiếp tục hậu thuẫn Ukraine cho tới khi Nga chịu thất bại ở Ukraine. Câu ngạn ngữ "Dục tốc bất đạt" ứng nghiệm rất đúng đối với ông Donald Trump trong trường hợp này.
Thứ hai là ông Donald Trump đã quá tự tin về thế và uy của nước Mỹ cũng như về năng lực kiến tạo nên giải pháp, thỏa thuận của chính mình. Thực tiễn ở đây đã không như ông dự báo và mong muốn. Những điều chỉnh chính sách của ông đối với Nga, EU, NATO và Ukraine có lợi về chiến lược cho Nga nhưng trên thực tế Nga chưa thật sự tin cậy ông Donald Trump.
Đơn giản, bởi ông thường dễ bất ngờ thay đổi quan điểm và bởi Nga chưa thật sự tin rằng ông Donald Trump có thể dẫn dắt được EU, NATO và Ukraine. Nga đồng hành với ông Donald Trump nhưng vẫn giữ kín những con chủ bài quan trọng nhất và đắc dụng nhất cho thương thảo ngoại giao thực chất sau này.
Mỹ ngừng ngoại giao trung gian nhưng vẫn duy trì những con bài để có thể tiếp tục gây và gia tăng sức ép đối với tất cả các bên liên quan. Ông Trump tránh bị sa lầy và lụi bại nặng thêm ở Ukraine, nhưng như thế không có nghĩa là hoàn toàn buông bỏ mà vẫn luôn sẵn sàng nhập cuộc trở lại bất cứ lúc nào.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/duc-toc-bat-dat-701307.html