Đức Trọng linh hoạt trong triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát

Với tinh thần 'không để ai bị bỏ lại phía sau', huyện Đức Trọng đã và đang nỗ lực triển khai Chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể cùng sự chung tay của cộng đồng, chương trình đang đạt được những kết quả đáng khích lệ, hướng tới mục tiêu hoàn thành trong quý II/2025.

Xã N’Thôn Hạ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn

Xã N’Thôn Hạ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn

VƯỢT MỤC TIÊU, TẠO MÁI ẤM ỔN ĐỊNH

Theo ông Hồ Hữu Hiếu - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đức Trọng, ngay từ những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, UBND huyện Đức Trọng đã ban hành hàng loạt văn bản quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc thực hiện chương trình ý nghĩa này. Kế hoạch số 157/KH-UBND phát động Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”, cùng với Kế hoạch số 10/KH-UBND về vận động nguồn lực, đã tạo hành lang pháp lý và định hướng rõ ràng cho các cấp, các ngành. Các phòng, ban liên quan đã tích cực phối hợp với UBND các xã, thị trấn và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp để rà soát, lập danh sách và hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng một cách chặt chẽ, đúng quy định.

Theo phê duyệt ban đầu của UBND tỉnh Lâm Đồng, huyện Đức Trọng có 140 hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở (97 căn xây mới, 43 căn sửa chữa) trong giai đoạn 2024 - 2025. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng, đến nay, huyện đã huy động được nguồn lực đáng kể, đạt tổng kinh phí 8,83 tỷ đồng và hỗ trợ xây dựng, sửa chữa cho 145 căn nhà (84 căn xây mới, 61 căn sửa chữa), vượt 3% so với kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, 130 căn nhà đã được khởi công (80 căn xây mới, 50 căn sửa chữa) và 15 căn còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ để khởi công trong tháng 4/2025.

Nguồn kinh phí thực hiện chương trình đến từ nhiều kênh khác nhau, thể hiện sự chung tay của cả cộng đồng. Trong đó, Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh hỗ trợ 2,85 tỷ đồng, nguồn tiết kiệm chi thường xuyên đóng góp 630 triệu đồng và nguồn xã hội hóa do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp vận động cùng sự hỗ trợ trực tiếp từ các nhà hảo tâm lên tới 5,35 tỷ đồng. Đặc biệt, xã Ninh Gia còn huy động thêm 215 triệu đồng từ các nhà tài trợ và chi hội đoàn thể để sửa chữa 3 căn nhà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn.

GIẢI PHÁP LINH HOẠT, QUYẾT TÂM CAO

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, quá trình triển khai chương trình vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Một trong những trở ngại lớn là vấn đề kinh phí đối ứng của các hộ gia đình. Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo không có đủ nguồn lực tài chính và nhân công, phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ cán bộ thôn, xã và các tổ chức chính trị xã hội.

Bên cạnh đó, vấn đề đất ở hợp pháp cũng là một thách thức không nhỏ. Nhiều hộ gia đình đang sinh sống trên đất nông nghiệp được cha mẹ cho hoặc tự mua nhưng chưa đủ điều kiện tách sổ hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Các thủ tục hành chính liên quan đến tặng, cho đất giữa người thân cũng còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình.

Để tháo gỡ những khó khăn này, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện Đức Trọng đã chủ động đưa ra các giải pháp linh hoạt và hiệu quả. Về kinh phí đối ứng, các cấp đã tăng cường vận động, tuyên truyền để huy động thêm nguồn lực hỗ trợ, đồng thời nhận được sự chung tay đóng góp ngày công, vật liệu từ người thân của các hộ gia đình. Nhờ đó, trung bình mỗi căn nhà xây mới nhận được sự đối ứng thêm từ 30 - 100 triệu đồng, và mỗi căn sửa chữa là từ 10 - 50 triệu đồng.

Đối với vấn đề đất ở, huyện đã có sự điều chỉnh linh hoạt, chuyển đổi nhu cầu từ xây mới sang sửa chữa đối với 15 căn nhà tại các xã N’Thôn Hạ, Bình Thạnh và Đa Quyn. Giải pháp này được đưa ra nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão đối với những trường hợp nhà ở đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa đủ điều kiện về đất ở hợp pháp theo quy định.

“Để hoàn thành mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa của chương trình, tạo sự đồng thuận và huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội. Mặt khác, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động hỗ trợ người dân hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai 2024. Cùng với đó, huy động thêm nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ các trường hợp phát sinh mới, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình triển khai chương trình, kịp thời giải quyết các vướng mắc. Bên cạnh đó, khẩn trương hướng dẫn các hộ dân thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai để đảm bảo việc xây dựng, sửa chữa nhà ở trên đất hợp pháp; kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chương trình”, ông Hồ Hữu Hiếu cho biết thêm.

VÕ LAN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202504/duc-trong-linh-hoat-trong-trien-khai-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-8500294/