Đức Trọng tìm giải pháp quản lý, bảo vệ rừng

Trước thực trạng nhiều địa phương trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra điểm nóng về tình trạng xâm hại rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán lâm sản trái phép, huyện Đức Trọng đã đề ra nhiều giải pháp quản lý và bảo vệ rừng (QL&BVR) trong thời gian tới.

Lực lượng chức năng huyện Đức Trọng tiến hành tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 268, xã Hiệp An

Lực lượng chức năng huyện Đức Trọng tiến hành tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 268, xã Hiệp An

Theo UBND huyện Đức Trọng, trên địa bàn hiện có 2 đơn vị chủ rừng Nhà nước, gồm các ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh, Tà Năng. Ngoài ra, còn có 26 doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để triển khai thực hiện dự án liên quan đến lâm nghiệp, với tổng diện tích 6.366,10 ha và 3 cá nhân thuê đất, thuê rừng để triển khai thực hiện các dự án, với diện tích 103,19 ha; đồng thời, giao khoán đất lâm nghiệp cho 175 hợp đồng/2.077,4 ha và giao rừng cho 1 cộng đồng dân cư thôn, với diện tích 66,02 ha.

Trong năm 2021, mặc dù còn gặp nhiền khó khăn, thách thức, ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19..., song, công tác QLBVR đã đạt được một số kết quả khả quan. Tình hình vi phạm và xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm so với cùng kỳ năm 2020 (giảm 12 vụ), lâm sản thiệt hại do khai thác rừng trái phép luật giảm 19,28 m3 so với cùng kỳ; diện tích phá rừng giảm 35.372 m2, lâm sản thiệt hại do phá rừng giảm 62,295 m3 so với cùng kỳ; tổng số lượng cây xanh đã trồng trên địa bàn huyện là 488.809/365.000 cây xanh, đạt 134% so với chỉ tiêu được giao tại Kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác QLBV&PTR trong thời gian qua trên địa bàn huyện Đức Trọng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là sự vào cuộc, tham gia lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng đối với công tác QLBVR tại các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan chưa được thường xuyên, cụ thể, rõ ràng; công tác phối hợp giữa Hạt Kiểm lâm, các Ban QLR phòng hộ, UBND các xã thị trấn chưa tốt; trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra điểm nóng về tình trạng xâm hại rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán lâm sản trái phép.

Vì vậy, mới đây, tại Hội nghị Bàn giải pháp QLBV&PTR tại Đức Trọng, nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể đã được đề ra. Trong đó, UBND huyện giao các Ban QLR phòng hộ Đại Ninh, Tà Năng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc công tác QLBVR, thực hiện kế hoạch trồng rừng tập trung, trồng xen, trồng rừng sau giải tỏa năm 2022 đảm bảo chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Mặt khác, cần xác định các khu vực điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn để tập trung trồng rừng mật độ dày làm giải phân cách giữa đất sản xuất nông nghiệp và rừng (trồng rừng vành đai). Đồng thời, tiếp tục phát huy hiệu quả của các trạm QLBVR di động; cắm mốc phân định nông lâm, xây dựng lực lượng cơ sở cốt cán kịp thời phát hiện, mật báo, tố giác đối với những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về QLBVR theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, cần cung cấp đầy đủ thông tin hộ nhận khoán, các hộ gia đình tham gia Đề án 1836 về UBND các xã phối hợp theo dõi quản lý. Hàng năm, báo cáo đầy đủ việc chấp hành của các hộ nhận khoán (khu vực, số vụ vi phạm, tính chất, mức độ ...); cương quyết xử lý hoặc thanh lý hợp đồng khoán đối với hộ nhận khoán nếu không thực hiện đúng phương án ký kết, để xảy ra các trường hợp vi phạm nghiêm trọng theo quy định.

Đồng thời, thiết lập đường dây nóng của các Ban QLRPH để tiếp nhận, xử lý các thông tin tố giác các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng tham gia công tác QLBVR, thực hiện thường xuyên việc điều chuyển lực lượng QLBVR giữa các đội chuyên trách của đơn vị trong thời gian tối thiểu theo quy định.

UBND huyện Đức Trọng giao Hạt Kiểm lâm huyện thiết lập đường dây nóng của Hạt Kiểm lâm để tiếp nhận, xử lý các thông tin tố giác các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đồng thời, trong quá trình tuần tra, kiểm tra độc lập, khi phát hiện hành vi vi phạm xảy ra, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính theo thẩm quyền và báo ngay cho đơn vị chủ rừng quản lý, UBND các xã, thị trấn, các đơn vị liên quan để phối hợp thống kê, kiểm đếm, xác định mức độ vi phạm và bảo vệ hiện trường theo quy định.

UBND huyện Đức Trọng cũng giao UBND các xã, thị trấn Liên Nghĩa phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm, các Ban QLRPH Đại Ninh, Tà Năng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định về BV&PTR đến từng cộng đồng, thôn, tổ dân phố và các cá nhân, hộ gia đình. Xây dựng lực lượng cơ sở tham gia tố giác đối với những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về QLBVR theo đúng quy định... Đồng chí Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cũng nhấn mạnh, thường trực Đảng ủy các xã, thị trấn (có rừng) phải phân công đi kiểm tra rừng ít nhất 2 lần/tuần để nắm bắt tình hình, chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc và xử lý vi phạm...

NHẬT MINH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/phapluat/202204/duc-trong-tim-giai-phap-quan-ly-bao-ve-rung-3110312/