Đức và Mỹ ký thỏa thuận LNG dài hạn, quyết 'cai nghiện' khí đốt Nga
Đức vừa ký một thỏa thuận dài hạn để nhập khẩu thêm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, giảm dần sự phụ thuộc đối với các nguồn năng lượng hóa thạch từ Nga.
Vừa qua, Công ty An Ninh Năng lượng Châu Âu - Securing Energy for Europe (SEFE) của Đức đã ký hợp đồng kéo dài 20 năm với Venture Global LNG - một nhà xuất khẩu của Mỹ để nhập khẩu 2,25 triệu tấn LNG mỗi năm từ dự án thứ ba của Venture Global - CP2 LNG.
SEFE - Công ty thuộc sở hữu hoàn toàn của chính phủ Đức. Vào tháng 11/2022, Đức đã quốc hữu hóa Gazprom Germania - một công ty con của tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga, sau khi Gazprom từ bỏ tài sản, Công ty được đổi tên thành SEFE (An Ninh Năng lượng Châu Âu - Securing Energy for Europe). Chính phủ Đức đã bơm 6,92 tỷ USD vào hoạt động tái cấp vốn cho công ty, với sự chấp thuận của Ủy ban Châu Âu.
Phản ứng của Gazprom và Nga trước sự việc như thế này đã không được đề cập đến.
Giám đốc điều hành của SEFE - Egbert Laege nhận định: "Bằng việc hợp tác với Venture Global LNG, SEFE đã thực hiện một bước quan trọng khác trong sứ mệnh đảm bảo năng lượng cho khách hàng Đức và châu Âu, đồng thời đáp ứng nhu cầu năng lượng của khu vực".
Thỏa thuận dài hạn mới này cho thấy rằng Đức sẽ tiếp tục dựa vào khí đốt tự nhiên, song khác với một năm rưỡi trước, Đức sẽ không miễn cưỡng ký hợp đồng cung cấp LNG trong nhiều thập kỷ tới.
Cuối năm 2022, Đức đã ký một thỏa thuận với Qatar, theo đó Qatar sẽ cung cấp tối đa 2 triệu tấn LNG hàng năm cho Đức trong vòng ít nhất 15 năm, bắt đầu từ năm 2026. Tuy nhiên, Qatar sẽ không bán khí đốt trực tiếp cho Đức mà công ty năng lượng Mỹ ConocoPhillips, đối tác của QatarEnergy, sẽ là đơn vị trung gian cung cấp khí đốt từ các dự án. Theo thỏa thuận, khí đốt sẽ chảy từ Ras Laffan, Qatar đến cảng LNG ở thị trấn Brunsbuettel, miền Bắc nước Đức.
Đối mặt với viễn cảnh không còn khí đốt từ Nga, Đức đã gấp rút lắp đặt các thiết bị lưu trữ và tái chế khí nổi (FSRU) vào năm ngoái.
Đầu tháng 1/2023, Đức đã đón chuyến tàu chở LNG đầu tiên tại cảng nhập khẩu LNG mới mở ở Wilhelmshaven từ cơ sở xuất khẩu Calcasieu Pass của Mỹ.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu - Đức - xây dựng công suất nhập khẩu LNG lên tới 70,7 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030. Điều này sẽ khiến Đức trở thành nước có công suất nhập khẩu LNG lớn thứ tư trên thế giới, theo các kế hoạch của Bộ Kinh tế Đức và Tập đoàn năng lượng RWE.