Đức và Pháp đạt 'đột phá' về dự án xe tăng thế hệ tiếp theo và sản xuất quốc phòng ở Ukraine
Đức và Pháp đã đạt được 'bước đột phá' về cách phát triển xe tăng thế hệ tiếp theo, đồng thời tiết lộ kế hoạch cụ thể để bắt đầu sản xuất thiết bị quân sự ở Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu và người đồng cấp Đức Boris Pistorius mới đây đã công bố những bước đột phá lớn trong hợp tác quốc phòng song phương, khi cả hai nước sẽ chính thức bắt đầu phát triển xe tăng mới và sản xuất thiết bị quân sự ở Ukraine.
Mục tiêu khám phá khả năng sản xuất xe tăng chung Pháp - Đức đầu tiên đã được thống nhất giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng lúc đó là Angela Merkel vào năm 2017.
Tuy nhiên, trong một thời gian dài, nhiều chuyên gia vẫn còn nghi ngờ liệu việc phát triển xe tăng thế hệ tiếp theo theo kế hoạch được gọi là Hệ thống chiến đấu mặt đất chính (MGCS) có được hiện thực hóa hay không vì nó bị mắc kẹt trong giai đoạn ban đầu do những bất đồng phức tạp giữa nhà sản xuất và chính phủ hai bên.
Đến nay, dường như các cuộc đàm phán quan trọng về phân công nhiệm vụ giữa Pháp và Đức đã được giải quyết.
Xe tăng này được cho là sẽ thay thế các xe tăng Leopard cũ của Đức và Leclerc của Pháp, là dự án công nghiệp vũ khí lớn thứ hai giữa hai nước bên cạnh tham vọng chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo có tên FCAS.
“Hôm nay chúng tôi đã đạt được bước đột phá. Không quá lời khi mô tả đây là một dự án mang tính lịch sử đối với một dự án như thế này”, ông Pistorius nói với các phóng viên ở Berlin cuối tuần qua, sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Pháp.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức nói thêm: “Chúng tôi đã đồng ý về việc phân công tất cả các nhiệm vụ cho dự án lớn này”, nhưng từ chối đi vào chi tiết về việc bên nào sẽ sản xuất những bộ phận cụ thể, điều đã gây tranh cãi ngay từ đầu.
Theo ông Pistorius, sự phân công nhiệm vụ chính xác sẽ được công khai như một phần của biên bản ghi nhớ chung, dự kiến sẽ được ký vào ngày 26/4 tới tại Paris. Ông tiết lộ rằng nó sẽ phản ánh sự phân chia như của chương trình máy bay chiến đấu chung FCAS, nơi Pháp đang dẫn đầu.
Mục tiêu của hai bộ trưởng là quân đội Pháp và Đức sẽ đưa ra một tài liệu mang tính khái niệm về các yêu cầu công nghệ, kịp thời cho cuộc gặp song phương tiếp theo vào tháng 9 năm nay tại Pháp.
Ông Pistorius gọi đó là kết quả của sự hợp tác thường xuyên giữa Paris và Berlin và là "vấn đề của ý chí".
Về phần mình, Bộ trưởng Lecornu ghi nhận mối quan hệ tuyệt vời giữa hai bên liên quan đến thỏa thuận trên.
Ngoài xe tăng chiến đấu thế hệ tiếp theo, MGCS sẽ bao gồm các yếu tố như hệ thống phòng thủ chống lại máy bay không người lái và vũ khí dẫn đường.
Dựa trên các thỏa thuận không chính thức giữa Tổng thống Macron và Thủ tướng Olaf Scholz từ cuộc họp "Tam giác Weimar" ở Ba Lan gần đây, hai bộ trưởng quốc phòng của Pháp và Đức cũng trình bày một kế hoạch cụ thể để bắt đầu sản xuất thiết bị quân sự ở Ukraine.
Theo ông Lecornu, KNDS (tập đoàn quốc phòng Pháp-Đức) sẽ mở một công ty con ở Ukraine. Nhà máy mới sẽ tập trung vào việc nâng cao trình độ chuyên môn của Ukraine và sản xuất các bộ phận thay thế cho thiết bị và đạn dược cho lực lượng trên bộ của Pháp và Đức.
Hiện Ukraine đang phải vật lộn với việc bổ sung nguồn cung cấp đạn dược, điều đó đã hạn chế nghiêm trọng khả năng phòng thủ của nước này trước các cuộc tấn công từ Nga.
Ông Lecornu nhấn mạnh sự hiện diện của KNDS, công ty cũng sản xuất đạn dược, “sẽ cải thiện hậu cần và độ tin cậy trong việc bổ sung nguồn cung trong dài hạn”. Nhà sản xuất quốc phòng Đức Rheinmetall trước đó đã công bố thành lập liên doanh đầu tiên ở Ukraine để sản xuất đạn dược vào đầu năm nay.