Đức xem xét lại luật sở hữu vũ khí sau vụ xả súng ở Hamburg
Giáo đoàn Nhân chứng Jehovah cuối tuần qua bày tỏ sự bàng hoàng về vụ nổ súng chết người tại một chi nhánh của họ ở Hamburg, miền Bắc nước Đức, đồng thời cảm ơn cảnh sát đã nhanh chóng can thiệp để ngăn chặn hậu quả thảm khốc hơn. Vụ nổ súng cũng làm dấy lên kêu gọi thắt chặt luật vũ khí của Đức.
Nghi phạm xả súng từng bị cảnh sát hỏi thăm
Cuối ngày 9-3, một tay súng đã bắn chết 6 thành viên của Giáo đoàn Nhân chứng Jehovah ở Hamburg và làm bị thương 8 người khác rồi tự sát. Trong một tuyên bố, Giáo đoàn Nhân chứng Jehovah ở Đức xác nhận, tay súng là một cựu thành viên đã tự nguyện rời bỏ nhà thờ 2 năm trước. “Không biết động cơ của tội ác khủng khiếp này như thế nào nhưng chúng tôi bị sốc và hoang mang khi biết rằng tay súng được cho là đã đặc biệt tức giận không chỉ đối với Nhân chứng Jehovah mà còn đối với các nhóm tôn giáo khác và ông chủ cũ của anh ta”.
Nghi phạm được xác định là Philipp F., 35 tuổi. Một trang web đăng ký dưới tên của người đàn ông nói này rằng anh ta lớn lên trong “một gia đình theo đạo Tin lành” ở thị trấn Kempten, bang Bavaria. Cảnh sát cho biết Philipp F. chỉ mới mua một khẩu súng hợp pháp vào tháng 12-2022 và được cảnh sát ghé thăm hồi tháng 1-2023 sau khi có tin báo nặc danh cho rằng anh ta có thể không thích hợp về mặt tâm lý để sở hữu vũ khí và có thù hận với nhóm tôn giáo Nhân chứng Jehovah. Cảnh sát nhận thấy người đàn ông hợp tác nên không có căn cứ gì để tước vũ khí của anh ta.
Một chi nhánh của Giáo đoàn Nhân chứng Jehovah ở Hamburg đang tổ chức một buổi lễ thì vụ tấn công xảy ra. Khi đó, khoảng 60 thành viên tham gia. Giáo đoàn này có khoảng 8,7 triệu thành viên trên toàn thế giới, với khoảng 170.000 người ở Đức. Tôn giáo được thành lập tại Mỹ vào thế kỷ 19 và có trụ sở tại Warwick, New York. Nghi thức thực hành nổi bật của giáo phái này là không mang vũ khí, truyền máu, chào quốc kỳ hoặc tham gia vào chính phủ thế tục.
Cải cách để kiểm soát súng chặt chẽ hơn
Sau vụ xả súng ở Hamburg, một cuộc tranh luận đã nổ ra ở Đức về tính hiệu quả của luật kiểm soát súng của nước này. Hôm 11-3, một số chính trị gia Đức đã đề nghị xem xét khẩn cấp các hạn chế về quyền sở hữu vũ khí. “Hành động khủng khiếp này cho thấy những người sở hữu súng hợp pháp có thể sử dụng súng để làm những điều xấu cho xã hội. Càng ít súng hơn trong tay tư nhân thì an toàn công cộng được bảo đảm hơn”, ông Marcel Emmerich, nghị sĩ Quốc hội, chuyên gia về các vấn đề nội vụ của Đảng Xanh nói với đài truyền hình NDR Info.
Hiện tại, Đức chỉ yêu cầu những người dưới 25 tuổi phải trải qua đánh giá y tế hoặc tâm lý trước khi được cấp giấy phép sử dụng súng. Điều này khiến nhà lập pháp Irene Mihalic cho rằng “rất đáng nghi ngờ”. “Nếu súng rơi vào tay kẻ xấu sẽ rất nguy hiểm nên tất cả những người nộp đơn đăng ký cấp phép phải cung cấp đủ thông tin, bất kể tuổi tác. Các bài kiểm tra năng lực phù hợp cũng phải được đánh giá thường xuyên”, nghị sĩ Irene Mihalic nói. Ông Sebastian Hartmann, phát ngôn viên nội vụ của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) tại quốc hội, cũng cho rằng bất kỳ cải cách nào về luật kiểm soát súng đều phải tăng cường thẩm quyền tịch thu vũ khí cũng như cải thiện việc trao đổi dữ liệu về chủ sở hữu.
Hồi tháng 1-2023, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser đã trình bày một dự thảo luật kiểm soát súng mới, sau các vụ xả súng chết người gần đây ở Đức. Thủ phạm của vụ xả súng ở Hanau năm 2020 là một kẻ cực đoan cực hữu bị tâm thần phân liệt, nhưng vẫn sở hữu hợp pháp một số khẩu súng lục. Trong khi đó, tay súng đứng sau vụ xả súng vào gần một giáo đường Do Thái ở Halle hồi tháng 10-2019 đã chế tạo vũ khí của riêng mình, một số có các bộ phận bằng nhựa làm ra bằng máy in 3D.
Các cải cách được đề xuất bao gồm lệnh cấm công dân sử dụng vũ khí bán tự động, tương tự như vũ khí quân sự hoặc AR-15 và các bản sao của nó. Những vũ khí như vậy thường xuyên được sử dụng trong các vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ, trong khi ở Đức, số lượng vẫn còn hạn chế. Nữ Bộ trưởng Nancy Faeser phát biểu trên truyền hình hôm 10-3 rằng bà sẽ xem xét kỹ “lỗ hổng” có thể xảy ra liên quan đến các đề xuất mới. Bà Nancy Faeser cho biết, trong tương lai, người xin cấp thẻ sở hữu vũ khí đều phải trải qua kiểm tra tâm lý, không giới hạn độ tuổi. Ngoài ra, cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan chức năng.
Theo (Theo AP/DW)