Đức: Xuất khẩu tăng trưởng mong manh giữa tâm bão chiến tranh thương mại
Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), trong tháng Hai, sản lượng công nghiệp của Đức tiếp tục giảm mặc dù xuất khẩu tăng, do dự đoán tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ.

Trong ảnh: Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp xe ô tô của Hãng Volkswagen ở Wolfsburg (Đức). Ảnh: REUTERS/TTXVN
Xuất khẩu của Đức tăng trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế quan mới, một phần do nhu cầu từ Mỹ tăng. Destatis cho biết, trong tháng Hai, xuất khẩu tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, sản lượng bất ngờ giảm mạnh 1,3% so với tháng trước đó. Xuất khẩu sang Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng thời là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức, tăng 8,5% lên 14,2 tỷ euro (khoảng 15,6 tỷ USD).
Tuy nhiên, tuần trước, Tổng thống Trump đã tuyên bố áp thuế 20% đối với hầu hết hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU). Đối với thép, nhôm và ô tô, mức thuế quan sẽ lên tới 25%. Ông Alexander Krüger, nhà kinh tế trưởng tại Hauck Aufhäuser Lampe Privatbank, cho rằng các công ty nên nhanh chóng tìm kiếm các đối tác thương mại khác ngoài Mỹ.
Lượng hàng hóa trị giá 70,2 tỷ euro đã được Đức xuất khẩu sang các nước EU trong tháng Hai, tăng 0,5% so với tháng trước. Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 0,6% lên 6,8 tỷ euro, trong khi kim ngạch xuất khẩu sang Vương quốc Anh giảm 3,8% xuống 6,5 tỷ euro.
Trong khi đó, sản lượng công nghiệp của Đức giảm 4% trong tháng Hai so với cùng kỳ năm ngoái. Bình luận về diễn biến này, Bộ Kinh tế Liên bang cho biết: "Dữ liệu sản xuất cho thấy sản xuất công nghiệp tiếp tục đi ngang. Với xu hướng đơn đặt hàng tiếp tục giảm và mức thuế quan mới được công bố của Mỹ, vẫn phải chờ xem liệu sự cải thiện đáng chú ý gần đây trong các chỉ số tâm lý công nghiệp có tiếp tục hay không".
Các nhà kinh tế tỏ ra hoài nghi về triển vọng tích cực. Ông Cyrus de la Rubia, nhà kinh tế trưởng tại Hamburg Commercial Bank, cho biết: "Với mức thuế quan mới được công bố của Mỹ, triển vọng phục hồi trong thời gian tới của kinh tế Đức là rất thấp. Đặc biệt khi áp lực cạnh tranh từ các quốc gia cũng phải đối phó với rào cản thương mại cao hơn của thị trường Mỹ sẽ tăng lên".
Hiệp hội ngoại thương Đức (BGA) lo ngại xung đột thương mại sẽ tiếp tục leo thang sau khi Trung Quốc áp thuế trả đũa đối với hàng hóa của Mỹ. Chủ tịch BGA Dirk Jandura nhận định, chính sách này sẽ gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể cho mọi bên, trên toàn thế giới./.