Dùng AI trong thương mại điện tử: Bây giờ hay bao giờ?
Theo các chuyên gia, AI sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là ngành nông nghiệp trong vấn đề xuất khẩu qua thương mại điện tử.
"Dùng AI (trí tuệ nhân tạo) trong thương mại điện tử: Bây giờ hay bao giờ?"- là câu hỏi được ông Jensen Wu, Giám đốc điều hành TopView Ai đặt ra tại hội nghị Thương mại điện tử và giao thương số: Dẫn đầu đổi mới và cơ hội thương mại xuyên biên giới.
Hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ của Hội chợ Hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2025 diễn ra từ 27-3 đến 29-3 tại SECC quận 7 - TP.HCM.
AI thúc đẩy doanh thu cho nhà bán hàng
Ông Jensen Wu đã dẫn ra nhiều ví dụ về việc các thương hiệu lớn ứng dụng AI, huấn luyện AI trở thành một người livestream thuần thục trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT).
Vị này cho biết với công nghệ trí tuệ nhân tạo, một MC ảo có thể nói được bảy thứ tiếng và phát sóng liên tục 24/7. Điều này giúp xóa bỏ các cản trở về mặt thời gian và tiết kiệm chi phí nhân sự cũng như rào cản ngôn ngữ, từ đó tăng doanh thu bán hàng cho doanh nghiệp.
Một nghiên cứu do đơn vị này thực hiện dựa trên các khách hàng sử dụng AI để livestream cho thấy doanh thu MC ảo mang lại chiếm tới 55% GMV (tổng giá trị hàng hóa) trong một đợt chiến dịch bán hàng (campaign).
Nói sâu hơn về hàng nông sản - ngành hàng chủ lực của Việt Nam, ông Lê Quốc Khôi, chuyên gia AI tại công ty Engma, cũng cho rằng AI đang mang đến nhiều tiềm năng kinh tế cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ý kiến này được ông Khôi nêu ra tại talkshow “Ứng dụng AI cho doanh nghiệp và thương mại điện tử dành cho hàng nông sản” diễn ra cùng ngày tại SECC.

Một doanh nghiệp livestream bán hàng tại hội chợ Hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2025. Ảnh: THU HÀ
Ông Khôi dẫn một ví dụ về sử dụng AI cho các doanh nghiệp SME ở Mỹ rằng chính phủ nước này đã chi 3,28 tỉ USD cho đầu tư vào AI trong năm 2022. Việc ứng dụng phổ biến nhất của AI trong kinh doanh là dịch vụ khách hàng (56%) và AI được dự đoán sẽ đóng góp mức tăng ròng 21% vào GDP của Mỹ vào năm 2030.
Bên cạnh đó, hơn một nửa (56%) người Mỹ thường xuyên tương tác với AI và chỉ có 10% chủ doanh nghiệp SME biết cách sử dụng AI, trong khi hơn 2/3 không biết hoặc biết rất ít về AI nói chung.
Vì thế, ông Khôi cho rằng đã đến lúc áp dụng AI cho doanh nghiệp SME - cụ thể hơn là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, việc ứng dụng cũng cần phải hiểu rõ được mục tiêu, cách thức vận hành AI, dự toán ngân sách, chi phí vận hành… thì mới mang lại hiệu quả.
Thúc đẩy xuất khẩu nông sản trên TMĐT
Với chủ đề TMĐT dành cho hàng nông sản, ông Lê Thanh Liêm, Phó Tổng giám đốc sàn TMĐT Felix - đơn vị chuyên xuất khẩu theo mô hình B2B cho biết hiện nay ngoài kênh xuất khẩu truyền thống, nông sản Việt đang rộng cửa đối với thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Tổng giám đốc sàn TMĐT Felix cho biết nông sản còn nhiều dư địa trên thương mại điện tử xuyên biên giới. Ảnh: THU HÀ
Nhìn thực tiễn từ doanh nghiệp, ông Liêm cho hay hiện nay nhiều nông sản như sầu riêng, gạo, dừa, thanh long, cà phê, tiêu, điều, tôm, cá khô… đã được đơn vị xuất khẩu trên TMĐT và đi tới nhiều thị trường như Trung quốc, Nhật Bản, Canada, Mỹ, Anh, Úc....
“Hiện nay, chúng tôi có 150.000 hội viên, chủ yếu là các chủ doanh nghiệp và hợp tác xã trực thuộc Hội Nông dân của 28 tỉnh thành phía Nam trực tiếp sản xuất. Chúng tôi kỳ vọng trong năm 2025, cùng với tiềm năng của nông sản Việt và chất lượng hàng hóa nâng cao, Felix sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu lên 40 thị trường, đạt doanh số giao dịch lên 600 tỉ đồng/tháng” - ông Liêm nói.
Ông Nguyễn Văn Hà, Tổng giám đốc Công ty VAT Coporation cho biết hiện nay doanh nghiệp ngành nông sản đang có nhiều lợi thế cạnh tranh từ chuỗi cung ứng bền vững, nguồn thu mua trực tiếp từ nông dân tới việc kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Ngoài ra các doanh nghiệp còn đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước lẫn xuất khẩu ra thị trường quốc tế, sở hữu hệ thống đối tác và khách hàng quốc tế mạnh mẽ.
Vì thế ông kỳ vọng rằng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng vươn xa hơn, nhất là khi nông sản Việt ngày càng nâng cao tiêu chuẩn chất lượng.
“Chúng tôi hiện đang nằm trong chuỗi bao tiêu của những thị trường quốc tế như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ và Trung Đông. Chính vì thế, thông qua các ký kết hợp tác về xuất nhập khẩu, VAT sẽ xúc tiến các hạng mục bao tiêu vùng nguyên liệu từ các địa phương thông qua hệ thống sản TMĐT cũng như làm việc trực tiếp với người nông dân trực tiếp sản xuất”- ông Hà nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/dung-ai-trong-thuong-mai-dien-tu-bay-gio-hay-bao-gio-post841347.html