Nông sản Yên Bái trước cơ hội xuất khẩu

Yên Bái - vùng đất không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi sản sinh ra những sản vật nông nghiệp chất lượng cao. Từ những đồi chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng quanh năm sương phủ, những cánh rừng quế Văn Yên tỏa hương nồng nàn đến hạt gạo Séng cù Mường Lò dẻo thơm nức tiếng…, nông sản Yên Bái đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ nông nghiệp Việt Nam và nuôi dưỡng khát vọng chinh phục thị trường quốc tế.

Đồng bào Mông xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn thu hái chè Shan tuyết.

Đồng bào Mông xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn thu hái chè Shan tuyết.

Trong bức tranh kinh tế đa sắc màu của Yên Bái, nông nghiệp vẫn là một trụ cột quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung của tỉnh. Với tốc độ tăng trưởng đạt 3,56% trong năm 2024, Yên Bái tự hào xếp thứ 5 trong số 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc và đứng thứ 24 trên cả nước. Cơ cấu nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm tới 21,62% GRDP, đã cho thấy vai trò then chốt của ngành kinh tế này.

Nhận thức rõ tiềm năng to lớn, chính quyền tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai một loạt các chính sách đột phá, tạo động lực mạnh mẽ cho nông sản địa phương vươn ra thị trường toàn cầu. Chiến lược trọng tâm là nâng cao giá trị sản phẩm thông qua chế biến sâu, xây dựng thương hiệu vững mạnh và phát triển các vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế đang mang lại những tín hiệu tích cực. Những "ngôi sao" nông sản của Yên Bái đã bắt đầu hành trình chinh phục thế giới. Chè Shan tuyết Suối Giàng, với chứng nhận OCOP danh giá, đã có mặt tại thị trường khó tính như Vương quốc Anh.

"Thủ phủ” quế Văn Yên với sản lượng hàng đầu cả nước, đang tỏa hương thơm tại Trung Quốc và châu Âu. Gạo Séng cù và nếp Tan Tú Lệ được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, tự tin hướng đến phân khúc thị trường cao cấp. Bên cạnh đó, miến đao, tinh dầu quế, trà quế... cũng đang dần khẳng định vị thế với người tiêu dùng quốc tế. Câu chuyện thành công của Hợp tác xã (HTX) Suối Giàng là một minh chứng tiêu biểu cho sự nỗ lực không ngừng của người nông dân và doanh nghiệp Yên Bái.

Bà Lâm Thị Kim Thoa - Giám đốc HTX chia sẻ: "Đến nay, HTX đã phát triển 6 dòng sản phẩm trà Shan tuyết mang thương hiệu Tuyết Sơn Trà, không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong nước, mà còn chinh phục được các thị trường quốc tế. Hai sản phẩm Hồng trà Shan tuyết và Diệp trà Shan tuyết đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn châu Âu và được xuất khẩu sang Anh Quốc và Nhật Bản. HTX Suối Giàng không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động, mà còn góp phần bảo tồn vùng chè cổ thụ quý giá và thúc đẩy du lịch sinh thái tại địa phương”.

Những con số ấn tượng cũng khẳng định bước tiến mạnh mẽ của nông sản Yên Bái trên thị trường quốc tế. Tính riêng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản chế biến đã đạt trên 160 triệu USD, chiếm 37,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh.

Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết đang mở ra những cơ hội chưa từng có cho nông sản Yên Bái. Hiệp định EVFTA giúp giảm thuế suất khi xuất khẩu sang châu Âu, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực như chè và quế. Trong khi đó, Hiệp định RCEP tạo điều kiện thuận lợi để Yên Bái mở rộng thị trường sang các nước ASEAN và Trung Quốc.

Không chỉ vậy, nhiều thị trường tiềm năng khác cũng đang rộng mở chào đón nông sản Yên Bái. Chứng nhận Halal đã tạo điều kiện cho chè Yên Bái thâm nhập sâu hơn vào các quốc gia Hồi giáo đầy tiềm năng ở Trung Đông và Đông Nam Á. Tại châu Âu, xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng được ưa chuộng, tạo lợi thế cho các sản phẩm hữu cơ như: chè Shan Tuyết và quế hữu cơ.

Hoa Kỳ cũng là một thị trường đầy hứa hẹn với nhu cầu cao đối với quế và các loại gạo đặc sản. Dù Trung Quốc là một thị trường rộng lớn, nhưng đòi hỏi sự linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh chóng với các chính sách nhập khẩu thường xuyên thay đổi. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội rộng mở, nông sản Yên Bái vẫn phải đối mặt với không ít thách thức.

Các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ngày càng khắt khe, đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc và các chứng nhận chất lượng quốc tế. Một trong những điểm yếu cần khắc phục là năng lực chế biến sâu còn hạn chế. Phần lớn nông sản Yên Bái vẫn được xuất khẩu dưới dạng thô, dẫn đến, giá trị gia tăng chưa cao. Số lượng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu bài bản còn ít, sự hiện diện của nông sản Yên Bái trên các nền tảng số và sàn thương mại điện tử quốc tế còn khá khiêm tốn.

Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún cũng là một trở ngại không nhỏ trong việc kiểm soát chất lượng và đáp ứng các đơn hàng lớn từ nước ngoài. Các rào cản kỹ thuật và thuế quan tại các thị trường nhập khẩu cũng là những thách thức không thể bỏ qua.

Để nâng cao năng lực xuất khẩu một cách bền vững, Yên Bái cần tập trung vào các giải pháp mang tính chiến lược. Trước hết, việc nâng cao chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu. Điều này, đòi hỏi sự đẩy mạnh sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cùng với việc kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất. Đầu tư vào công nghệ chế biến sâu là một bước đi quan trọng để gia tăng giá trị sản phẩm thay vì chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu mạnh mẽ và chuyên nghiệp là yếu tố then chốt để tạo dựng uy tín, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Việc đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng số, mở rộng hệ thống phân phối và tích cực tham gia các hội chợ thương mại quốc tế sẽ giúp quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả. Liên kết sản xuất theo mô hình hợp tác xã và doanh nghiệp cần được củng cố, phát triển, tạo ra chuỗi giá trị bền vững từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Với những nỗ lực không ngừng, sự đầu tư bài bản, chiến lược phát triển đúng đắn, chắc chắn rằng, nông sản Yên Bái sẽ không chỉ dừng lại ở những thị trường truyền thống, mà còn vươn xa, khẳng định vị thế xứng đáng trên bản đồ nông sản thế giới.

Văn Thông

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/348033/nong-san-yen-bai-truoc-co-hoi-xuat-khau.aspx