Đừng 'ăn xổi'
Theo dữ liệu được Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố mới đây, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ và trở thành cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam.
Doanh số TMĐT bán lẻ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua, đưa Việt Nam lọt top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT nhanh nhất khu vực và thế giới.
Thị trường TMĐT toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7.400 tỷ USD vào năm 2025.
Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp DN Việt thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nhiều DN có sự phát triển mạnh nhờ những cơ hội phát triển xuất khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới.
Có thể khẳng định, trong bối cảnh chung của nền kinh tế khi mà kênh xuất khẩu truyền thống đang gặp khó khăn thì việc ứng dụng TMĐT để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thị trường thế giới là hướng đi đúng đắn.
Trước đó, Chính phủ đã đặt ra yêu cầu về khuyến khích DN Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, trong đó thông qua việc hỗ trợ DN xây dựng năng lực tham gia TMĐT xuyên biên giới.
Với vai trò chủ trì, những năm gần đây, Bộ Công Thương cũng đã chủ động những chương trình hợp tác với đối tác là các sàn TMĐT lớn trên thế giới để đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng nước ngoài, trong đó có việc xây dựng và duy trì “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên Alibaba.com.
Không phủ nhận, TMĐT thực sự đã loại bỏ các khâu trung gian, giúp DN giảm chi phí và có thể định giá thương hiệu khi bán xuyên biên giới.
Tuy nhiên trên thực tế, quá trình tiếp cận các nền tảng TMĐT lớn, DN Việt gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực về phát triển TMĐT, thiếu thông tin thị trường, kỹ năng xây dựng chiến lược kinh doanh, bảo vệ thương hiệu trong TMĐT xuyên biên giới.
Do đó, giới chuyên gia, nhà quản lý đã nhiều lần khuyến cáo, khi tham gia TMĐT xuyên biên giới, các DN Việt không thể mang tư duy kinh doanh ngắn hạn, tiểu xảo, chụp giật vì rất dễ bị tuýt còi.
Việc kinh doanh bài bản, có chiến lược đi kèm bảo vệ thương hiệu sẽ là con đường tốt nhất để gắn kết, mở rộng khách hàng trong kinh doanh.
Chính sách đã có, điều kiện thuận lợi đã sẵn, song để bán hàng thành công trên các sàn TMĐT quốc tế, DN Việt cần chú ý về mặt mẫu mã sản phẩm (đẹp, thiết kế gọn nhẹ, dễ tháo lắp, dễ vận chuyển); bên cạnh đó là chất lượng sản phẩm, nên sử dụng vật liệu thân thiện, bền vững với môi trường, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, quan trọng nhất là sản phẩm không được vi phạm trademark (thương hiệu) để tránh rủi ro. Muốn làm được điều này, DN tham gia TMĐT xuyên biên giới rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Công Thương về trang bị đầy đủ kỹ năng thương mại quốc tế, hiểu biết về thị trường, đảm bảo sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như kỹ năng TMĐT của nước sở tại.
Về phía DN Việt cần phải cương quyết bảo vệ thương hiệu sản phẩm ngay tại thị trường trong nước, nhằm nâng tầm hàng Việt trên thị trường quốc tế thông qua sàn TMĐT xuyên biên giới.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dung-an-xoi.html