Đừng bao giờ hy sinh trong tình yêu

'Yêu đúng không bao giờ là bản năng, đó là kỹ năng cần được rèn luyện cả đời'.

Từ nhỏ, chúng ta đã quen với những câu chuyện tình yêu đầy nước mắt, nơi phụ nữ cam chịu, đàn ông nhẫn nhịn và tình yêu được xây bằng sự hy sinh. Chúng ta được dạy rằng “một người giữ thì tình yêu sẽ còn” nhưng thực tế thường ngược lại: tình yêu ấy nhanh chóng phai nhạt, hôn nhân đổ vỡ và người trong cuộc không hiểu vì sao.

Người trưởng thành cần học lại cách yêu

Tại buổi tọa đàm Con đường chẳng mấy ai đi vừa diễn ra ngày 11/5, TS tâm lý Phạm Thị Thúy đã thẳng thắn chỉ ra gốc rễ: chúng ta đang yêu sai cách.

Theo bà, chúng ta thường bước vào tình yêu bằng cảm xúc chứ không phải bằng nhận thức. Khi cảm xúc vơi dần, ta ngỡ rằng tình yêu cũng kết thúc nhưng yêu, theo định nghĩa của bác sĩ M. Scott Peck trong cuốn sách Con đường chẳng mấy ai đi, là một hành động đạo đức có chủ ý, là sự đầu tư vào quá trình trưởng thành của chính mình và của người kia. Yêu không phải là phụ thuộc, càng không phải là hy sinh để rồi đánh mất bản thân chỉ để giữ một người.

 TS tâm lý Phạm Thị Thúy phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hoàng Yến.

TS tâm lý Phạm Thị Thúy phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hoàng Yến.

Câu chuyện của chính TS Phạm Thị Thúy là minh chứng: bà từng suýt ly hôn trong năm năm đầu hôn nhân nhưng nhờ đọc Con đường chẳng mấy ai đi, bà có cơ hội suy xét lại tình yêu của mình để học cách yêu đúng - thứ tình yêu không đòi hỏi sự hy sinh bản thân mà cùng nhau lớn lên.

Theo bà, vấn đề không nằm ở chuyện nên chia tay hay không mà ở cách ta sống với những khủng hoảng tình cảm. “Khi gặp khó khăn, câu hỏi quan trọng không phải là “có nên rời đi?”, mà là “tình yêu giữa chúng ta đang ở đâu?” vì tình yêu đích thực sẽ không biến mất mà ngược lại sẽ trưởng thành hơn trong nghịch cảnh”, bà nói.

TS Phạm Thị Thúy cũng nhấn mạnh: “Yêu đúng không bao giờ là bản năng, đó là kỹ năng cần được rèn luyện cả đời. Muốn yêu đúng, hãy nhìn lại cách mình từng được yêu từ thời thơ ấu. Không ai trưởng thành mà không có vết thương vì vậy, đừng chờ chữa lành rồi mới yêu mà hãy cùng nhau chữa lành tình yêu”.

Con đường chẳng mấy ai đi nhưng rất cần thiết

Con đường chẳng mấy ai đi (tựa gốc: The Road Less Traveled) là tác phẩm nổi tiếng của TS.BS tâm lý M. Scott Peck ra mắt năm 1978. Ngay từ khi phát hành, cuốn sách đã gây tiếng vang lớn trên toàn cầu, giữ vị trí trong danh sách New York Times Best Seller suốt hơn 10 năm liên tiếp với hơn 10 triệu bản in và được dịch ra hơn 25 ngôn ngữ. Cuốn sách được xem là biểu tượng kinh điển của dòng sách tâm lý hiện đại nhờ kết hợp hài hòa giữa tâm lý học ứng dụng và triết lý sống sâu sắc.

 Sách Con đường chẳng mấy ai đi. Ảnh: Hoàng Yến.

Sách Con đường chẳng mấy ai đi. Ảnh: Hoàng Yến.

Ngay từ dòng mở đầu “Cuộc đời rất khó sống”, tác giả khẳng định rằng né tránh nỗi đau chính là gốc rễ của nhiều vấn đề tâm lý. Tác giả khuyến khích người đọc nhìn thẳng vào khó khăn để từ đó, bước ra một cách mạnh mẽ, trọn vẹn hơn. Sách xoay quanh bốn chủ đề lớn: kỷ luật, tình yêu, tâm linh và sự trưởng thành bên trong. Mỗi phần đại diện cho một chặng đường quan trọng trên hành trình phát triển nhân cách và sự trưởng thành tinh thần.

Đặc biệt, phần nói về tình yêu là một trong những phần gây tiếng vang nhất. Scott Peck cung cấp một góc nhìn sâu sắc và thực tế về tình yêu, định nghĩa rằng đây là một cam kết đạo đức có chủ ý nhằm nuôi dưỡng sự trưởng thành của bản thân và người ta thương yêu mà không phải cảm xúc nhất thời hay sự phụ thuộc.

Với ngôn ngữ gần gũi nhưng không kém phần sâu sắc, cuốn sáchlà hành trang quý giá cho những ai đang tìm kiếm sự trưởng thành thực sự trong tình yêu, trách nhiệm và tâm hồn. Đây không chỉ là một tác phẩm để đọc, mà là để chiêm nghiệm, áp dụng và sống cùng.

Hoàng Yến

Nguồn Znews: https://znews.vn/dung-bao-gio-hy-sinh-trong-tinh-yeu-post1552579.html