Đừng bắt con 'chín ép'
Tôi vừa xem bộ phim truyền hình Hàn Quốc 'Lâu đài tham vọng'. Ở đó, những bậc cha mẹ muốn con phải trở thành bác sĩ bằng được, liền tìm mọi cách để con đứng đầu ở trường trung học.
Những đứa trẻ có cha mẹ tham vọng lớn, bị cha mẹ, thầy cô thao túng suy nghĩ và cảm xúc, sống theo tham vọng cùng sự điều khiển của cha mẹ và giáo viên cố vấn. Rồi những bi kịch tính mạng khủng khiếp nhất đã xảy ra khi đứa trẻ rơi vào khủng hoảng, cảm thấy chưa bao giờ được sống là mình, khiến cha mẹ mất con, con mất mẹ...
Câu chuyện phim Hàn khiến tôi có nhiều liên hệ đến việc học hành của trẻ em thành phố lớn của ta hiện nay. Con em chúng ta đang phải học và học trong một xã hội đầy hối thúc. Nhà trường hối thúc giáo viên về thành tích. Giáo viên hối thúc học sinh về điểm số, hối thúc cha mẹ gây áp lực để các con phải phấn đấu không ngừng cho những mục tiêu học tập mỗi ngày một cao hơn. Có vẻ như người lớn đang “sống nhanh” nên khiến con trẻ phải “chín ép”!
Nhìn “con nhà người ta” giỏi này giỏi nọ, cha mẹ cũng cố thúc đẩy con mình nhanh chóng thành tài. Việc hối thúc, áp lực lên con trẻ đã trở thành mục tiêu lớn đến nỗi nhiều gia đình chấp nhận điều đó, xã hội chấp nhận, thậm chí là coi trọng điều đó. Một khi gia đình nào cứ để con sống hồn nhiên, không “chạy” trường tốt, không lò luyện, không thi thố này kia, chẳng có thành tích gì mà cha mẹ, con cái vẫn vui vẻ, thì họ lập tức trở nên không bình thường trong mắt những người xung quanh.
Khoảng thời gian này là giai đoạn quyết định của việc con thi chuyển cấp, chọn trường. Đau đầu nhất là các con học trường tư. Con mà giỏi thì bảo học trường tư phí quá, phải ra trường điểm, thầy cô rèn cho để cấp 3 còn thi đậu top trên. Con mà kém, lập tức đổ tội trường tư nuông chiều, không áp lực, phải cho ra trường công, kỷ luật nghiêm, ắt nó sẽ giỏi. Ngồi mãi ở trường tư, vào cấp 3, con đường không gập ghềnh thì xa ngái! Và thế là, cuộc “chạy” cho con vào công lập, trường điểm bắt đầu...
Chẳng phải nói ai, chính tôi cũng đau đầu tính toán việc học cấp 2 của con tôi. Trường tư, đành rằng chi phí cao, nhưng gần nhà. Con đi học vui vẻ, có khả năng tự học, kiến thức chẳng đến nỗi “không biết gì” như cách nhiều người chỉ “nghe nói” mà đánh giá. Tôi cảm thấy không thể/không nên đòi hỏi nhiều đối với một học sinh tiểu học. Các con còn đang tuổi chơi tuổi lớn, vì lẽ gì các con phải tăng việc học mà cắt giảm quyền vui chơi?
Nhưng, vì lý do tài chính, tôi đã loay hoay với đủ câu hỏi về trường công, trường tư, ở đâu tốt hơn, ở đâu rẻ hơn. Tôi tham khảo nhiều ý kiến trong hoang mang, lo lắng. Hỏi một giáo viên xin giúp con về trường điểm của quận mà gia đình có hộ khẩu, cô nói chi phí cỡ 35 triệu. Lại hỏi người khác về một trường điểm quận bên cạnh, họ nói phải 60 triệu.
Tôi quay ra hỏi một trường bình thường, họ nói 15 triệu cảm ơn là được. Tôi định tặc lưỡi lao theo đám đông nhưng lại nghĩ nếu con học hết 2 cấp ở trường tư này, giữ vững lực học như hiện tại, con sẽ lên cấp 3 ở chính ngôi trường đó một cách nhẹ nhàng. Nghĩ vậy, tôi quyết định con không ra trường công nữa.
Thi vào lớp 10 hiện nay thực sự trở thành một cuộc chiến, nhất là vào lớp 10 các trường công lập ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Do các trường công không đủ sức đáp ứng số lượng quá đông học sinh trên địa bàn, bởi rất nhiều dự án đô thị mới mọc lên, nghĩa là mật độ dân số theo đó cao lên, mà trường học lại không tăng thêm. Trường tư có vẻ là một giải pháp sẻ chia sự quá tải về sĩ số, nhưng lại tạo ra sự chênh lệch quá lớn về học phí. Cùng với việc duy trì mô hình trường chuyên, trường công lập tự chủ tài chính, trường chất lượng cao trong hệ thống công lập cũng với nhiều mức chi phí (ngoài học phí) khác nhau, chúng ta đang tạo ra sự bất bình đẳng trong giáo dục.
Nhiều chi phí thêm như xây dựng cơ sở vật chất, đóng góp tự nguyện mua điều hòa, nước tinh khiết... Thêm chi phí học tăng cường các buổi chiều. Học sinh cấp 2 theo quy định chỉ học một buổi, buổi còn lại là học thêm và phụ huynh phải trả phí cho buổi học thêm. Các trường gọi là học “tăng cường” hay “nâng cao” thì cũng chỉ là để né tránh 2 chữ “học thêm” mà xã hội đang rất dị ứng. Cuối cùng thì phí học phụ đắt hơn phí học chính.
Việc tồn tại nhiều cấp độ chất lượng giáo dục đã và đang tạo ra cuộc đua khắc nghiệt trong thi cử, đặc biệt là kỳ thi chuyển cấp. Để dành cho được một suất vào lớp 10 trường chuyên, trường điểm, học sinh nhiều khi phải học hành theo tham vọng của cha mẹ, bị lôi vào “cuộc chiến” khắc nghiệt giành điểm số. Cuộc chiến ấy không gì khác ngoài học ngày, học đêm, học thêm, học chính. Cả gia đình quay như chong chóng quanh cậu ấm cô chiêu, hết lo tiền lại lo đưa đón. Và, chẳng còn phụ huynh nào là không nói câu: “Vào cấp 3 giờ khó hơn vào đại học”.
Còn ở cấp trung học cơ sở, một số trường điểm chỉ sát hạch (thực chất là lấy lệ) nên dẫn đến cuộc đua “chạy trường”, đã tạo ra tiền lệ vô cùng xấu trong môi trường giáo dục công lập. Một số trường tư cấp 2 nắm bắt tham vọng “con phải giỏi để vào trường chuyên” của phụ huynh bèn xây dựng lộ trình tuyển sinh gắt gao, tạo môi trường học tập thi đua, cạnh tranh quyết liệt, thì áp lực học hành còn hơn cả công lập trường điểm, khiến nhiều học sinh sợ hãi, khủng hoảng tâm lý, cha mẹ bỏ cuộc.
Có người nói rằng, giáo dục bây giờ chia ra nhiều xu hướng, đấy là xu thế chung của thời đại, ở các nước khác cũng thế, ai ở tầm nào thì cứ tầm ấy mà chọn. Nhưng, nhiều xu hướng, nhiều chọn lựa, mà vẫn phải đáp ứng một tiêu chí duy nhất do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, thẩm định, nắm quyền kiểm soát. Đấy mới là cái khó.
Học trường gì để đáp ứng kỳ thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo là điều thậm chí lấn át cả mong muốn học để biết, để làm, để có kiến thức, để làm người. Học để có kiến thức, rất đúng, nhưng kiến thức ở mức độ nào, có đáp ứng kỳ thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay không. Vấn đề thật sự nan giải. Học để làm người, càng đúng. Nhưng, cả kiến thức và phẩm chất làm người đó, có đáp ứng được kỳ thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay không, trong khi Bộ vẫn quy định, phải đáp ứng tiêu chí chất lượng của các kỳ thi?
Vậy nên người ta nói, thời nay, đi học là một cuộc đua, cuộc chiến. Cuộc đua tham vọng của cha mẹ, còn học sinh bị biến thành những chiến binh trong cuộc đua ấy. Nhưng, tại sao chúng ta lại chấp nhận cuộc chiến vô lý này, trong khi chúng ta vẫn nêu khẩu hiệu: “Đi học là hạnh phúc”. Đến trường để bước vào “cuộc đua”, thậm chí “cuộc chiến” thì còn vui vẻ, hạnh phúc nỗi gì.
Trẻ em ngoài quyền học thì còn có quyền vui chơi và rất nhiều quyền khác. Tôi có nhiều đồng cảm với cuốn sách “Những đứa trẻ chín ép” của nhà giáo dục, nhà tâm lý học người Mỹ David Elkind. Ông kêu gọi cha mẹ: Chúng ta hãy nghĩ đến những hệ lụy lên sự phát triển thể chất, tâm lý lứa tuổi, khi khiến con trẻ phải bắt buộc trưởng thành nhanh. Việc cha mẹ buộc con cái hành động theo mục tiêu, tham vọng của cha mẹ sẽ khiến suy nghĩ, cảm xúc của trẻ bị thiên lệch, niềm tin của trẻ vào bản thân bị mất dần, đồng thời niềm tin của trẻ vào lòng tốt, sự an toàn và khoan dung trong cuộc sống này cũng sẽ bị tổn hại.
Tôi không muốn dẫn ra đây những bi kịch khi trẻ vì áp lực học hành và mục tiêu không đạt mà dẫn đến tự hủy hoại cuộc sống của chính mình. Ngay trong khu nhà tôi ở, cuối năm ngoái có một em nhảy lầu. Cùng tầng chung cư với tôi, một bé trai 12 tuổi đêm nào cũng cãi nhau với bố mẹ vì chuyện học hành. Họ quát mắng nhau to đến nỗi nhà tôi mất ngủ, phải gọi bảo vệ tòa nhà lên nhắc nhở, cũng là một cách để giải thoát cho em bé đang phải chịu áp lực từ mâu thuẫn với cha mẹ.
Chúng ta quả thật đang sống trong một xã hội đầy hối thúc, quay cuồng với định mức, mục tiêu, tiến độ. Nhưng, điều đáng nói là người lớn đang kéo con trẻ vào cái guồng đó. Áp lực thi cử được sử dụng ngày càng nhiều và được coi là tiêu chí đánh giá nhận vào trường tốt. Việc học nâng cao, thêm giờ và tăng mức độ khó của bài tập vẫn diễn ra mỗi ngày nhằm thúc ép trẻ “bộc lộ” những năng lực siêu nhân. Nhiều trẻ em tài năng liền bị cha mẹ tham vọng sử dụng quá sớm, khiến tuổi thơ bị thương mại hóa.
Khi làm những việc này, người lớn luôn tìm cách hợp lý hóa hành động của mình là vì những gì tốt nhất cho trẻ em, nhưng thực ra người lớn đang vì tham vọng của chính mình, đang “sống nhanh” và khiến trẻ bị “chín ép”. Chúng ta có thể chậm lại một chút được không - là câu hỏi lớn của tác giả cuốn sách “Những đứa trẻ chín ép” dành cho các bậc cha mẹ. Vì “xét cho cùng, một tuổi thơ đầy vui chơi là quyền cơ bản nhất của trẻ em”.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/dung-bat-con-chin-ep-i693015/