Đừng bỏ lỡ 'thời gian vàng' chữa tự kỷ cho trẻ
Mỗi năm, Bệnh viện Nhi Trung ương có xấp xỉ 10 nghìn lượt trẻ đến khám tự kỷ. Năm 2024, Khoa Tâm thần tiếp nhận 45 nghìn lượt trẻ tới khám sức khỏe tâm thần nói chung, trong đó xấp xỉ 20% khám vì dấu hiệu nghi ngờ tự kỷ. Không phải phụ huynh nào cũng hiểu đúng về rối loạn phổ tự kỷ và có thể chấp nhận vấn đề đang xảy ra với con mình để sẵn sàng can thiệp cho trẻ.
Thế giới chọn ngày 2/4 hằng năm là Ngày thế giới nhận thức về tự kỷ, với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về rối loạn này, giúp trẻ tự kỷ sớm được phát hiện, điều trị, yêu thương nhiều hơn và dễ dàng hòa nhập cuộc sống hơn.
Nhận biết sớm để can thiệp sớm
Tới Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, chúng tôi gặp nhiều phụ huynh đưa con tới khám về các rối loạn tâm thần, trong đó nhiều bé hơn 2 tuổi đến trẻ lớn 6-7 tuổi được cha mẹ cho đến khám tự kỷ. Người mẹ trẻ Hà Thị Loan (Lạng Sơn) cho biết: “Con em được 24 tháng nhưng chưa biết nói, chưa có phản xạ, sợ tiếp xúc với người lạ, hay chơi một mình, sợ tiếng động, đi nhón chân. Em lên mạng tìm hiểu, thấy con có biểu hiện của tự kỷ, hai vợ chồng lo lắng bắt xe thẳng xuống đây khám”.
Một phụ huynh khác có con 3 tuổi sau khi được bác sĩ test các câu hỏi về biểu hiện của con cho biết: “Con đến giờ vẫn chưa nói được. Lúc cháu 2 tuổi, có người nói với tôi hay cho con đi khám vì thấy biểu hiện giống trẻ tự kỷ. Lúc đó tôi không tin, không nghĩ con mình mắc chứng bệnh này, thậm chí còn tức giận trước lời khuyên trên. Bây giờ tới viện mới biết, các biểu hiện của con nếu được quan tâm phát hiện sớm, đi khám sớm thì khả năng chữa lành cao hơn”, người mẹ nói...

Mỗi ngày, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương có khoảng 200 trẻ tới khám.
Theo ThS.BS Nguyễn Mai Hương, Phó trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, khi con đi khám và nhận được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ, thông thường cha mẹ sẽ trải qua chuỗi cảm xúc sốc, đau buồn, tức giận, phủ nhận… Ban đầu, cha mẹ có thể cảm thấy choáng váng hoặc bối rối, tuyệt vọng ngay sau khi bác sĩ chẩn đoán và không sẵn sàng chấp nhận ngay mà có xu hướng đưa con đến nhiều cơ sở y tế để khám với hy vọng có một chẩn đoán khác. Đồng thời, phụ huynh cũng đưa ra nhiều lý lẽ để phủ nhận, ví dụ “trẻ chỉ chậm nói thôi, trẻ cái gì cũng biết, chắc vì xem tivi nhiều…”. Sau nhiều loay hoay, cha mẹ dần chuyển sang giai đoạn có phần chấp nhận và tìm hiểu về bệnh tự kỷ. Đến giai đoạn “dám đối diện” và chấp nhận, hiểu những khó khăn trong quá trình điều trị, cha mẹ đồng hành cùng bác sĩ can thiệp cho con.
Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng đưa con tới bệnh viện có chuyên khoa tâm thần để khám, chẩn đoán và điều trị, mà có rất nhiều người, khi thấy dấu hiệu nghi ngờ, thậm chí đã được bác sĩ chẩn đoán mắc tự kỷ, vẫn nghe theo “bác sĩ rởm” trên mạng, cho con đi chữa tự kỷ bằng cách mua thuốc chậm nói về cho con uống, ra chợ cướp đồ ăn của người lạ về cho con ăn, hơn thế nữa còn cho con đi cắt “thắng lưỡi”… để con nói được.
BS Nguyễn Minh Quyết, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện thường tiếp nhận những bệnh nhi sau khi “điều trị” tự kỷ bởi những “bác sĩ rởm”, hoặc những bác sĩ không có chuyên môn về tâm thần, khi không có hiệu quả mới đến đây. Có nhiều cháu đến viện sau khi đã cắt “thắng lưỡi” để chữa tự kỷ nhưng vẫn không nói được như quảng cáo của “bác sĩ” trên mạng. Có cháu lại được bác sĩ không có chuyên môn tâm thần chẩn đoán không mắc rối loạn phổ tự kỷ, cha mẹ cứ để như thế không can thiệp, khi tới 4 tuổi vẫn không nói được, có các biểu hiện của tự kỷ rất nặng mới đưa tới đây, đã lỡ “giai đoạn vàng” can thiệp tốt nhất.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng
Theo các nghiên cứu lớn trên thế giới, tỷ lệ trẻ tự kỷ chiếm khoảng 1% dân số. Tại Việt Nam, con số này cũng được dự báo tương đương. Theo Ths.BS Nguyễn Mai Hương, so với nhiều năm trước, rối loạn phổ tự kỷ đã được nhiều người biết đến hơn, thời gian gần đây, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ cha mẹ đưa con đến khám sớm trước 2 tuổi ngày càng tăng cao. Điều đó cho thấy, khi có dấu hiệu mơ hồ, cha mẹ đã lo lắng cho con và đi khám sớm để tìm nguyên nhân cũng như phương pháp điều trị. Mỗi năm, Khoa Tâm thần can thiệp cho 250-300 lượt trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ.
BS Mai Hương cho biết, tự kỷ hiện chưa có phương pháp chữa khỏi. Những cháu được phát hiện sớm, can thiệp sớm, đúng cách, đủ thời gian, có sự phối hợp giữa cha mẹ và nhà chuyên môn thì những ảnh hưởng của tự kỷ với đời sống, chức năng của trẻ sẽ giảm xuống, giúp trẻ nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Một bà mẹ có con can thiệp và điều trị rối loạn phổ tự kỷ nhiều năm ở Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: “Sau nhiều năm đồng hành cùng con, đến khi con nói được từ đơn như “mẹ”, “bố”, hoặc đói thì biết nói “ăn” là tôi đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Chặng đường dài đó có đau khổ, vất vả, nhưng nỗ lực đổi lại con có tiến bộ”.
BS Nguyễn Minh Quyết cho biết, giai đoạn vàng sàng lọc tự kỷ ở Việt Nam hiện nay có thể áp dựng cho trẻ từ 18-30 tháng (có thể mở rộng cho trẻ từ 16 tháng) bằng thang M-chát và khi có 2 dấu hiệu nguy cơ trở lên cần được thăm khám chuyên khoa Tâm thần Nhi. Sàng lọc phát hiện chỉ là bước đầu tiên, dù sàng lọc có âm tính vẫn cần theo dõi tiếp mà không chủ quan là con em mình bình thường. Còn nếu sàng lọc có nguy cơ tự kỷ hoặc trễ phát triển thì nên đi khám chuyên khoa phù hợp.
Sáng lọc sớm phát hiện sớm, trẻ có nhiều cơ hội tham gia vào hoạt động can thiệp, khi này não bộ của trẻ đang phát triển, sẽ mang lại hiệu quả cao. BS Quyết cho biết, có 5 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ trẻ tự kỷ mà phụ huynh cần biết: 12 tháng trẻ không nói bập bẹ; 12 tháng trẻ chưa biết chỉ ngón, bai bai, vỗ tay, lắc đầu; 16 tháng trẻ chưa nói được từ đơn; 24 tháng trẻ chưa nói được 2 từ; trẻ mất đi kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội đã có ở bất kỳ lứa tuổi nào. Cha mẹ sớm nhận biết các dấu hiệu nguy cơ của con để đưa bệnh viện chuyên khoa Tâm thần khám, sàng lọc, chẩn đoán và điều trị.
BS Mai Hương cũng cho biết thêm, nguyên nhân mắc tự kỷ đến nay chưa được các nhà khoa học xác định rõ, nhưng không phải do vaccine như nhiều mẹ hiểu lầm, hoặc cho rằng do thiếu vắng sự quan tâm của cha mẹ, không ai chơi cùng… Tự kỷ không thể phòng ngừa, chỉ có cách nâng cao nhận thức của toàn xã hội chăm sóc phụ nữ mang thai, sau sinh hạn chế có thêm tổn thương.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/dung-bo-lo-thoi-gian-vang-chua-tu-ky-cho-tre-i763786/